(VnMedia) - Ngày 18/3, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vừa tiếp nhận thêm 4 người trong cùng một gia đình ở Tuyên Quang bị ngộ độc nặng do ăn nấm.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 14 bệnh nhân ngộ độc do nấm, 2 ca đã tử vong. Các bệnh nhân này chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên có 5 bệnh nhân cùng một gia đình ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên nhập viện ngày 9/3. Trong đó, 2 người đã tử vong (1 bé trai 13 tuổi và một phụ nữ 58 tuổi). Nhóm thứ 2 nhập viện ngày 12/3, cũng gồm 5 bệnh nhân trong cùng một gia đình ở Thái Nguyên. Nhóm thứ 3 là 4 bệnh nhân ở Tuyên Quang, nhập viện ngày 16/3.
Cần thận trọng phân biệt nấm ăn được và nấm độc. |
PGS. TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, các bệnh nhân trên đều ăn phải loại nấm tán trắng, thịt mềm, mùi thơm, rất ngọt, gần giống nấm thường, nhưng độc tính cao, tác dụng chậm. Trong đó, nhóm thứ 3 sau 58 giờ mới được đưa đến viện nên tình trạng bệnh rất nặng, suy gan, tiên lượng bệnh rất xấu.
Trong số các bệnh nhân nhập viện trước đó, có 4 bệnh nhân đang hôn mê, 2 bệnh nhân tiền hôn mê, suy gan, nguy cơ tử vong rất cao. Các bệnh nhân khác cũng trong tình trạng suy gan nặng và cũng có nguy cơ tử vong cao. Chỉ duy nhất 1 bệnh nhân đến thời điểm hiện tại đã qua cơn nguy kịch.
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Chống độc đã huy động mọi nguồn lực, đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, chi phí điều trị đã lên tới 1,6 tỷ đồng, nhưng khả năng tử vong của các bệnh nhân vẫn rất cao. Nguyên nhân do người dân ăn nhiều, nấm độc đã thấm sâu, đến cấp cứu muộn, cách xử trí ban đầu chưa nhanh, chưa chính xác.
Theo PGS. TS. Phạm Duệ, loại nấm mà các bệnh nhân ăn phải không thể nhận biết bằng mắt thường với nấm ăn được, vì vậy, ông khuyến cáo mọi người tuyệt đối không nên ăn nấm rừng, nấm hoang dại, nấm không rõ nguồn gốc. Cách tốt nhất là người dân nên tự trồng nấm ăn, vừa bảo đảm an toàn, ngon, rẻ, giá trị dinh dưỡng cao và chi phí ban đầu lại thấp.
Ý kiến bạn đọc