(VnMedia) - Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng tại 120 hồ ao, đầm, thủy vực tại 6 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… chỉ có 6 hồ đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn lại ô nhiễm nặng trong khi, đó là nơi cung cấp thủy sản cho thị trường Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Ngày 18/3, Petrotime có đăng bài viết “Thủy sản ở Hà Nội bị “ăn” kim loại phản ánh tình trạng thủy sản trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm kim loại nặng gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Cụ thể, trong đó nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp từ 150-250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn”. Trong khi cá chép, rô phi, mè được coi là “an toàn” thì cũng có tới 50-60% không đạt tiêu chuẩn do WHO đặt ra.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng tại 120 hồ ao, đầm, thủy vực tại 6 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… chỉ có 6 hồ đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn lại ô nhiễm nặng trong khi, đó là nơi cung cấp thủy sản cho thị trường Hà Nội.
Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 486/ATTP - NĐ gửi Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố Hà Nội.
Theo đó, Chi cục ATVSTP thành phố Hà Nội sẽ triển khai ngay việc phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản lấy mẫu giám sát thủy sản, sản phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, cadimi) nhằm xác minh thông tin, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Về kinh phí thì kinh phí kiểm nghiệm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014. Đồng thời Cục ATVSTP yêu cầu, tổng hợp, báo cáo kết quả về Cục trước ngày 30/3/2014.
Ý kiến bạn đọc