Cấp cứu 5 người ngộ độc nặng vì ăn phải nấm độc

07:31, 11/03/2014
|

(VnMedia) - Chiều 10/3, PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận cấp cứu cho 5 trường hợp bị ngộ độc nặng do ăn phải nấm độc tự hái trong rừng.

Năm bệnh nhân ngộ độc nặng trên là người dân tộc Dao ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên gồm cả người lớn, trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ.

PGS, TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, các nạn nhân này bị ngộ độc nấm chậm (15 giờ sau khi ăn nấm). Theo sự phân chia để điều trị cấp cứu ngộ độc thực phẩm, thì ngộ độc nấm chậm khó điều trị. Trong khi đó, nấm tán trắng là nấm có độc tính cao, nếu không được điều trị nhanh, kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, viêm thận cấp và làm suy đa phủ tạng. Vì vậy, các thầy thuốc của Trung tâm Chống độc vẫn đang theo dõi sát diễn tiến sức khỏe của các nạn nhân.

PGS, TS Phạm Duệ cho biết, tối 9/3, trung tâm tiếp nhận các bệnh nhân trên từ tuyến dưới chuyển lên. Khi đó, các bệnh nhân trong tình trạng chung là men gan tăng cao, các tế bào gan có nguy cơ bị hủy hoại. 

Những bệnh nhân nói trên thuộc hai gia đình, trong đó có hai mẹ con ruột là chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) và cháu Lý Minh Khôi (13 tuổi) cùng một người cháu họ Lý Thị Thùy (14 tuổi). Hai bệnh nhân còn lại là cặp vợ chồng gồm bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) và chồng là ông Thiệu Nho Phú (58 tuổi).

Loại nấm các bệnh nhân ăn tán màu trắng, cuống có bầu, gần giống nấm thường, ăn rất ngọt nhưng rất nguy hiểm. Được biết, chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) cùng con, cháu vào rừng hái được hơn 1kg nấm tươi. Sau đó, chị Thơm vào nhà người quen trong rừng nấu nồi canh nấm cho 5 người cùng ăn. Sau ăn hơn 10 tiếng, cả 5 người đều có biểu hiện ngộ độc như nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy... và được chuyển đến bệnh viện huyện cấp cứu. Tuy nhiên, đây là những ca cấp cứu nặng nên bệnh nhân được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên và sau đó chuyển tiếp xuống Trung tâm chống độc.

Hiện tại, các bệnh nhân đều đã ổn định về triệu chứng lâm sàng (hết nôn, tiêu chảy) tuy nhiên độc tố của nấm vẫn làm men gan gia tăng từ 4 đến 6 lần so với bình thường do huỷ hoại tế bào gan.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm rừng

Ngày 10/3, Đoàn công tác Cục An toàn thực phẩm do TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cùng với cán bộ phòng chuyên môn thuộc Cục, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã xuống Trung tâm phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để nắm tình hình bệnh nhân, công tác điều trị, trực tiếp thăm hỏi, động viên các bệnh nhân trong vụ ngộ độc.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người dân về tình trạng ngộ độc nấm vào mùa Xuân.

Ông Phong khuyến cáo người dân khi khai thác và sử dụng nấm mọc tự nhiên chỉ sử dụng khi biết chắc chắn là nấm ăn được; kiểm tra, xác định nấm thật kỹ trước khi chế biến thành món ăn; phải kiên quyết loại bỏ nấm lạ; tuyệt đối không ăn thử nấm vì nếu là nấm độc có thể gây chết người. Người dân không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm (đối với nấm tán) vì lúc đó chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của chúng nên không xác định được rõ loài, không nên ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, phát sáng vào ban đêm.

Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Phó Cục trưởng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của người tiêu dùng và khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn dù chỉ là một lần. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

*Theo nhận định của các chuyên gia, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để phòng ngừa ngộ độc.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc