(VnMedia) - Phòng thí nghiệm trọng điểm nguồn vi sinh học và miễn dịch học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc vừa công bố gen chủng virus cúm H7N9 có sự kết hợp giữa chim hoang dã Đông Á với gà nuôi tại thành phố Thượng Hải, tỉnh Chiết Giang và tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.
|
Theo đó, đột biến gen của bản thân virus này có thể là nguyên nhân khiến chủng virus H7N9 lây sang người và dẫn tới tỉ lệ tử vong cao.
Tính đến 16 giờ ngày 11/4, Trung Quốc xác nhận 35 trường hợp bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, trong đó 9 người đã chết.
Tổ chức thú y thế giới (OIE) ngày 10/4 phát hành báo cáo cho biết Trung Quốc phát hiện thêm 5 chợ bán gia cầm sống bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9.
Nhằm ngăn chặn virus cúm H7N9 lây lan và trợ giúp các cơ sở sản xuất, ngày 10/4, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã quyết định trợ cấp cho các trang trại chăn nuôi gia cầm. Chính quyền cũng mua gà từ người chăn nuôi để giảm bớt tổn thất cho người chăn nuôi đồng thời trả không thấp hơn 50% giá thị trường cho các hộ kinh doanh gia cầm để tiêu hủy lượng gia cầm đang dự trữ.
Trước đó, để kiểm soát dịch cúm gia cầm, nhiều thành phố đã tăng cường biện pháp đối phó. Văn phòng quản lý đô thị thành phố Nam Kinh ban hành tối hậu thư cho những người chăn nuôi gia cầm tại khu bùng phát dịch bệnh trong thành phố phải tiêu hủy gia cầm trước 24 giờ ngày 9/4. Thành phố Thượng Hải cũng đã tiêu hủy hơn 11 triệu gia cầm và đang trưng cầu ý kiến của người dân xem có nên học theo gương của Bắc Kinh năm 2004 cấm buôn bán gia cầm sống trong thời gian dài hay không.
* Điều trị thành công một ca nhiễm cúm H7N9: Hôm nay, ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên ở Trung Quốc đã được xuất viện sau khi được điều trị khỏi bệnh. Bệnh nhân là một cậu bé bốn tuổi được chuẩn đoán nhiễm virus cúm H7N9 từ ngày 4/4, ba ngày sau cậu bé bắt đầu sốt cao và được chỉ định vào bệnh viện điều trị.
Ý kiến bạn đọc