(VnMedia) - Theo các chuyên gia, từ tháng 5 trở đi dịch tay chân miệng thường bùng phát mạnh. Những tháng tiếp theo có khả năng sẽ là cao điểm của dịch tay chân miệng.
Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, người dân cần chủ động ngăn ngừa.
Riêng năm nay, theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 18/5, cả nước ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó 27 trẻ đã tử vong. Tất cả các ca tử vong đều được khẳng định là do vi rút EV 71 gây ra.
Với khoảng 50.000 ca mắc ở thời điểm hiện tại, con số mắc đã gần bằng một nửa số ca mắc của cả năm 2011. Trong khi đó, vẫn chưa đến thời kỳ cao điểm của bệnh tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2011, số trẻ mắc tăng khoảng 10 lần.
Hiện các tỉnh như: Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Yên Bái, Quảng Trị… có tỷ lệ mắc cao nhất. Số trẻ mắc thêm mỗi tuần gần như tương đương với đợt cao điểm của năm ngoái.
Hiện trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều chưa có văc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh, cả người lớn và trẻ em cần thường xuyên rửa bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
Cần lưu ý không mớm thức ăn cho trẻ, không cho bé ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa. Không để trẻ chơi đồ chơi chưa được khử trùng.
Thuỳ Hoa
Ý kiến bạn đọc