(VnMedia) - Đối với trẻ, ngoài việc giáo dục về kiến thức văn hóa cũng như đạo đức thì việc giáo dục cho trẻ có tư thế ngồi học đúng đắn cũng rất quan trọng, khi đó trẻ sẽ có thái độ nghiêm túc trong việc học tập và còn tránh được cho trẻ những nguy cơ bệnh tật tìm ẩn như cận thị và vẹo cột sống.
Những thói quen ngồi không đúng ở trẻ:
- Nằm học (các trẻ thường có thói quen nằm bò ra để vẽ hoặc đọc sách) .
- Ngồi vẹo sống lưng (thường xảy ra đối với những trẻ ngồi học trên ghế xoay).
- Ngồi học chống 1 tay để tựa đầu còn tay còn lại để viết bài.
- Dí mắt sát vào sách vở để đọc dễ hơn.
Nếu trẻ mắc phải một trong các biểu hiện trên thì cha mẹ cần phải nhắc nhở ngay để tránh thói quen xấu về sau. Ngoài ra còn có những lý do khách quan mà các bậc phụ huynh cũng cần phải lưu tâm như bàn ghế không phù hợp với chiều cao của trẻ, ánh sáng không đủ.
Tư thế ngồi đúng cách cho trẻ
- Trước tiên phải chuẩn bị một bộ bàn ghế phù hợp với chiều cao của trẻ, nên sử dụng loại ghế tựa và cố định (loại ghế không xoay được), bắt trẻ ngồi thẳng lưng, đầu hơi cuối xuống khoảng 10- 15 độ, khi ngồi không tì ngực vào cạnh bàn, khoảng cách giữa mắt và vở từ 25- 30 cm, khi viết bài thì tay phải cầm bút còn tay trái tì nhẹ lên mép vở.
- Đèn học nên dùng loại đèn sợi tóc hoặc đèn compact, tránh dùng loại đèn huỳnh quang do đèn huỳnh quang có độ chớp nháy cao dễ gây mỏi mắt cho trẻ. Luôn nhắc nhở trẻ khi có tư thế ngồi sai.
Ảnh minh họa.
Tác hại của việc sai lệch tư thế
Nếu trẻ có tư thế ngồi không đúng thì lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù và bụng phình ra phía trước. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì cột sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt. Những điều này gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe, bởi vì tim, phổi khó hoạt động, thở không sâu làm giảm tính cơ động của lồng ngực, giảm dung tích sống của phổi, trẻ sẽ dần dần yếu ớt, sức khỏe giảm sút rõ rệt.
Tư thế chung của cơ thể cũng phụ thuộc nhiều vào tư thế của cột sống và xương chậu. Điều đó có liên quan chủ yếu đến sự căng cơ và các dây chằng bao quanh cột sống và xương chậu. Cột sống là trục xương chủ yếu giữ đầu và thân mình.
Xương chậu được coi là nền tảng của cột sống. Nếu như những cơ của thân được phát triển đều thì sức kéo của các cơ co cân bằng với sức kéo của các cơ duỗi, lúc đó đầu và thân người được giữ thẳng. Tư thế bình thường của bả vai, tay chân phụ thuộc vào mức độ phát triển và trương lực (sự căng cơ) của các nhóm cơ của chúng – có ảnh hưởng lớn đến tư thế chung.
Làm gì khi trẻ bị vẹo cột sống?
DS Nguyễn Huy Khương - Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng cho biết, cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu của vẹo cột sống giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Các bậc phu huynh cũng cần có kiến thức phát hiện để phát hiện chứng vẹo cột sống, cách đơn giản nhất để phát hiện trẻ bị tật vẹo cột sống là quan sát phía sau khi trẻ đứng thẳng sẽ thấy vai xệ một bên, có thể kèm theo vùng hông - thắt lưng nhô phía bên kia. Cho trẻ cúi xuống từ từ, sẽ quan sát thấy ụ gồ ở vùng lưng và đối diện với ụ gồ là vùng lõm.
Khi phát hiện chứng vẹo cột sống ở trẻ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa cột sống hay chấn thương chỉnh hình thăm khám. Đến khám càng sớm, cơ hội cứu chữa càng cao, chi phí điều trị cũng ít tốn kém.
Tuy nhiên giáo dục trẻ cách ngồi học đúng cách là phương pháp ngăn ngừa vẹo cột sống tốt nhất.
Ý kiến bạn đọc