(VnMedia) - Nhiều phụ huynh khi thấy con hàng xóm biết nói sớm mà con mình chưa biết nói đã lo trở nên lo lắng thái quá. Vậy khi nào mới cần lo lắng về việc trẻ chậm nói?
Trên thực tế nhiều phụ huynh chỉ đánh giá trẻ chậm nói dựa trên việc so sánh hoặc cảm nhận với những trẻ khác mà chưa nắm được những thông tin cụ thể về tiêu chuẩn và mức phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia chăm sóc giáo dục đặc biệt, ở tầm 5 - 6 tháng tuổi trẻ chưa có ngôn ngữ nói nhưng trẻ đã bắt đầu có những biểu hiện, dấu hiệu của ngôn ngữ giao tiếp cử chỉ như ánh mắt, nét mặt và có những nhận diện đối với người thân trong gia đình. Đến 9 tháng tuổi trẻ bắt đầu có những thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt, đến 12 tháng tuổi trẻ bắt đầu phát âm được những tiếng bi bô, đến 16 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói được những từ đơn và đến khoảng 24 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói được các từ đôi.
Từ những phân tích trên có thể thấy lo lắng thái quá hoặc chủ quan đều là thái độ chưa đúng của các bậc phụ huynh khi nghĩ rằng con mình chậm nói. Các bậc phụ huynh nên có cách nhìn nhận đúng đắn, đừng thấy con hàng xóm biết nói sớm mà con mình chưa biết nói đã lo lắng mà cần đối chiếu, so sánh với chuẩn phát triển là như thế nào.
Dấu hiệu báo động đỏ là khi trẻ đến 16 tháng tuổi mà vẫn chưa nói được những từ đơn và đến 24 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa nói được những từ đôi thì nên cho con đi thăm khám các nhà chuyên môn để có những hướng dẫn tư vấn hợp lý về sự phát triển ngôn ngữ của con.
Cũng theo các chuyên gia, đối với trẻ em nữ bao giờ cũng thường nhanh nói hơn trẻ em nam. Đối với trẻ được sống trong gia đình đông người và có nhiều cơ hội giao tiếp, cọ sát với nhiều người bao giờ trẻ cũng nhanh biết nói hơn.
Trẻ chậm nói có thể do bệnh lý hoặc cũng có thể do yếu tố môi trường. Ngôn ngữ của trẻ không phải tự nhiên mà có, nó chỉ xuất hiện khi có sự tương tác với người lớn thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh. Đây là điều các bậc phụ huynh cần lưu ý.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc