(VnMedia) - Ho cũng là một trong những bệnh phổ biến dễ nhiễm và dễ tái phát nhất đối với trẻ em. Vì vậy, chữa ho cũng như phòng ngừa bệnh ho trẻ em luôn là quan tâm hàng đầu của không ít các bậc cha mẹ.
Hiện nay, rất nhiều cha mẹ sai lầm khi cho rằng cứ thấy con ho là cho dùng kháng sinh. Điều này thật sự rất tai hại vì ẩn chứa nhiều nguy hiểm với trẻ.
Các bậc phụ huynh thường sốt ruột mỗi khi thấy trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nên thường dùng kháng sinh ngay từ đầu. Nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chỉ có 15% số bệnh nhân có triệu chứng ho là do nhiễm khuẩn và cần phải dùng đến kháng sinh, còn lại 85% số bệnh nhân bị ho là do virus hoặc các nguyên nhân khác, nên kháng sinh không có tác dụng.
Chính vì vậy, khi thấy trẻ bị ho, sốt, cha mẹ đừng vội lo lắng, hãy dùng một số biện pháp đơn giản dưới đây để chữa ho cho trẻ:
Rau diếp cá
Rau diếp cá hay còn gọi là giấp cá, ngoài các tác dụng như thanh nhiệt, giải độc, thoát mủ (đối với mụn nhọt làm mủ), thông tiểu tiện, giảm phù thũng, sát khuẩn, chống viêm, rau diếp cá còn là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên trị ho rất hiệu quả cho bé.
Đây là vị thuốc kháng sinh hoàn toàn mát, nhất là đối với các bé bị táo bón. Diếp cá có tác dụng kháng viêm trực tiếp trên họng và amidan. Trong thời gian bé uống rau diếp cá, các mẹ có thể thấy con đi ngoài hơi nát. Đó là điều hoàn toàn bình thường.
Ảnh minh họa. |
Húng chanh còn gọi là rau tần dày lá, rau thơm lông, có vị cay, tính ấm. Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng cho bé.
Lá hẹ
Hẹ là một vị thuốc dân gian. Lá hẹ có tác dụng bổ can thận, làm ấm lưng gối; dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, đái són, di mộng tinh, đặc biệt dùng lá hẹ để trị ho cho trẻ rất hiệu quả.
Lá xương sông
Lá xương sông không chỉ được dùng như một loại gia vị làm tăng thêm sự hấp dẫn cho các món ăn mà còn là một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Ngoài tác dụng chữa đầy bụng, nôn mửa, tan ứ máu đọng, lá xương sông còn có tác dụng trị viêm họng và ho do cảm lạnh hoặc ho có đờm ở trẻ.
Cải cúc
Theo quan niệm Đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, thường dùng để nấu canh, nhúng lẩu nhưng cũng lại là vị thuốc chữa ho hiệu quả. Nếu là ho lâu ngày, chỉ cần dùng thường xuyên món canh cải cúc như: cải cúc nấu thịt nạc, nấu cá thát lát... Nhưng riêng với trẻ em, muốn trị được ho các mẹ cần phải bỏ ra một chút thời gian để chế biến. Lá cải cúc rửa sạch, thái nhỏ sau đó thêm một ít mật ong vào và hấp cách thủy trong vòng khoảng 20 phút cho ra nước rồi cho bé uống. Nên cho bé uống khoảng từ 3 – 5 ngày
Tía tô
Với giá trị dinh dưỡng khá cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P, loại cây này không những có thể dùng để chế biến các món ăn ngon miệng mà có tính năng chữa bệnh khá cao. Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.
Các công dụng của tía tô thường được biết đến là: trị cảm lạnh, nôn mửa, cảm sốt, sốt rét, nhức đầu, lợi tiểu, ra mồ hôi, bụng trướng, táo bón, dị ứng, trúng độc, đau khớp xương...Tía tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím) có tính ấm, vị cay, không độc, trị ho rất tốt cho trẻ.
Tỏi, mật ong
Giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy. Chú ý không được hấp chín tỏi, nếm thử thấy vị hắc mùi tỏi là được. Cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1 – 2 lần. Trước khi uống, nên cho bé uống nước lọc.
Trên đây là các bài thuốc dân gian rất hay, nguyên liệu dễ kiếm mà cách chế biến cũng đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần lưu ý các loại lá chữa ho thường chỉ có công dụng khi bệnh vừa mới phát, vi khuẩn còn “thường trú” vùng hầu họng. Những trường hợp ho, cảm lâu ngày thì nên đi khám bệnh để dùng thuốc phù hợp.
Ý kiến bạn đọc