Phấn rôm có chữa khỏi rôm sảy?

12:28, 09/06/2013
|

(VnMedia) - Thời tiết nắng nóng, phấn rôm (phấn thơm) thường được các bậc cha mẹ dùng xoa ngoài da cho trẻ nhỏ vì nghĩ có thể chữa trị được rôm sảy, nhưng kỳ thực có phải như vậy?

Với suy nghĩ là một sản phẩm an toàn và hầu như không có tác dụng phụ nên hầu như phấn rôm được các bậc cha mẹ sử dụng khá tuỳ tiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc lạm dụng phấn rôm có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe của trẻ em.

Ngay từ khi sinh con, chị V.A đã có thói quen dùng phấn rôm thoa cho bé mỗi khi tắm xong để chống hăm. Mỗi lần thoa phấn rôm xong cho con, chị V.A đều nhận thấy da của bé có vẻ khô, thơm tho, mát mẻ. Điều này khiến chị nghĩ phấn rôm có thể làm mát da, chống rôm sảy, chống hăm nên chị càng bôi nhiều hơn. Chị bôi cho con cả từ sau khi tắm, trước khi chơi đùa, khi ra mồ hôi, cho đến trước lúc đi ngủ. Thực tế không diễn ra như chị nghĩ và mong muốn. Thời gian gần đây da của con chị bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bị viêm đỏ, ngứa, các mụn nước xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Ảnh minh họa


Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người thường nghĩ trẻ nóng ở trong nên phát ra ngoài bằng những rôm ngứa và chỉ cần bôi phấn rôm là khỏi, nhưng kỳ thực không phải như vậy.

Ông lý giải nếu rôm xảy ra vào thời kỳ thời tiết nắng nóng thì nó sẽ hết ngay nếu đang nóng có một trận mưa rào làm cho nhiệt độ hạ xuống, hoặc chỉ cần cho trẻ vào phòng có điều hoà nhiệt độ mát, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ là hết rôm ngay. Vì vậy, theo ông phấn rôm không chữa được rôm sảy. Nhiều khi bôi phấn rôm nhiều quá còn làm che bít lỗ chân lông của trẻ, làm mồ hôi không thoát được ra. Mà khi đã không thoát được mồ hôi thì bôi phấn rôm lại càng bị rôm hơn.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết ông cũng đã khám cho khá nhiều trường hợp trẻ được bôi quá nhiều phấn rôm, khi mở vùng da của trẻ ra phấn rôm còn bết lại ở đó và vùng da đó thành ra thêm bệnh hăm.

Theo các chuyên gia, thành phấn chính của phấm rôm là bột talc, muối canxi, muỗi kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Một số loại phấn rôm có chứa cả những hoạt chất có hại như etylen oxit, một chất dùng trong sản xuất công nghiệp và khử trùng các thiết bị y tế. Ở liều lượng nhất định etylen nozit có thể dẫn đến tổn thương phổi, gây cảm giác buồn nôn, nôn và thậm chí có thể dẫn đến ung thư.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát độc chất Mỹ, trung bình mỗi năm có gần 6.300 trẻ nhiễm độc do phấn rôm. Các nhà nghiên cứu Pháp cũng khuyến cáo việc sử dụng phấn rôm trong một thời gian dài ở các bé gái làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng nhiều hơn 4 lần so với trẻ không dùng. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có con số cụ thể về trường hợp ngộ độc, viêm da hay ung thư do phấn rôm, phụ huynh cũng nên thận trọng trong việc sử dụng phấn rôm cho trẻ.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc