(VnMedia) - Xuất huyết là một bệnh lý rất hay gặp ở mọi người, với những triệu chứng đơn giản như chảy máu chân răng, chảy máu cam, hay nặng hơn là xuất huyết dạ dày, xuất huyết dưới da… Vậy người bị xuất huyết có nguy hiểm tới tính mạng?
Theo Ths. Bs. Nguyễn Vũ Bảo Anh, Khoa Điều trị tích cực, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, xuất huyết là hội chứng bệnh lý gặp ở nhiều chuyên khoa như: xuất huyết dưới da (hay gặp ở nội khoa, truyền nhiễm), xuất huyết dạ dày (ở khoa tiêu hoá), rong kinh (ở khoa sản), chảy máu cam (khoa tai mũi họng), chảy máu răng lợi (khoa răng hàm mặt)…
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên hội chứng xuất huyết. Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do thành mạch, nhóm này thường hay gặp ở người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Nhóm nguyên nhân thứ hai là do giảm số lượng tiểu cầu và giảm chức năng tiểu cầu. Nhóm nguyên nhân nữa là do rối loạn các yếu tố đông máu.
|
Người bị xuất huyết thường có biểu hiện ở các hình thái như: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc và xuất huyết nội tạng. Khi bị xuất huyết dưới da các điểm trên da sẽ có màu sắc, kích thước khác nhau và da sẽ không đổi màu khi ấn kính hoặc căng da. Xuất huyết niêm mạc thường xảy ra ở củng mạc mắt, hay chảy máu niêm mạc mũi, chảy máu niêm mạc miệng, chảy máu chân răng.
Bệnh nặng hơn là khi bị xuất hiện nội tạng (xuất huyết đường tiêu hoá, xuất huyết đường tiết niệu, xuất huyết não). Bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hoá thường có biểu hiện đi ngoài ra máu, nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Người bị xuất huyết đường tiết niệu thì đi tiểu ra máu.
Thông thường khi một người bị xuất huyết ít thì mức độ nguy hiểm không nhiều, nhưng khi bệnh nhân có mức độ xuất huyết nhiều như kết hợp cả xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc và xuất huyết nội tạng thì người bệnh sẽ dễ bị biến chứng, thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết không được chẩn đoán và xử trí kịp thời dễ có nguy cơ tử vong.
Ý kiến bạn đọc