Tại sao 80% nhân viên không yêu quý sếp?

08:30, 28/02/2012
|

(VnMedia) - Một nghiên cứu mới đã chỉ ra, hơn 30% nhân viên coi lãnh đạo là “chướng ngại vật” trong công việc của mình, 50% cho rằng họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn những gì mà các nhà lãnh đạo đang làm. Vậy nguyên nhân do đâu khiến nhân viên lại có cái nhìn “thiếu thiện cảm” về sếp?


Ảnh minh họa


Nghiên cứu mới do nhóm các chuyên gia tài năng trong lĩnh vực quản trị trên khắp thế giới tiến hành đã đưa ra nhiều kết luận khá bất ngờ. Nghiên cứu dựa trên kết quả cuộc khảo sát hơn 1200 công nhân viên ở các quốc gia như Hoa Kì, Vương quốc Anh, Canada, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và một số quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu ban đầu của cuộc nghiên cứu nhằm xác định xem nhà lãnh đạo đã quản lý nhân viên như thế nào, họ thường đưa ra các quyết định đúng hay sai.

Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gần 40% người lao động được khích lệ cần thiết và có động lực làm việc nhờ cấp trên của mình. Trong khi đó, 35% nhân viên khác lại cho biết, họ rất “ức chế” với sếp chủ của mình do sự thiếu quan tâm đến những nhu cầu làm việc của họ. Nguyên nhân chính của sự bất mãn bắt nguồn từ việc thiếu lắng nghe của các cấp lãnh đạo.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy, khoảng 54% người giám sát đưa ra các quyết định đúng đắn và được nhân viên tuân thủ. Không những thế, các nhà lãnh đạo hiện nay còn thiếu những nguyên tắc cư xử cơ bản nhất như thiếu sự lịch sự, tôn trọng, trung thực và công bằng đối với nhân viên dưới quyền. Trong khi đây lại là những yếu tố cơ bản tạo nên các mối quan hệ nhân viên- lãnh đạo lâu dài và vững bền.

Đồng thời, 60% những người được khảo sát còn cho biết họ thường xuyên bị lãnh đạo quát mắng tại nơi làm việc, điều này ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ. 1/3 nhân viên chia sẻ người giám sát của họ thường mất bình tĩnh và hay quát mắng tại các cuộc họp hay thảo luận vấn đề.

Ngoài ra, việc bất mãn với sếp cũng chính là nguyên nhân khiến người lao động thôi việc. Một nghiên cứu trước đây từng khẳng định rằng nhân viên không tự ý bỏ việc mà chính là họ đang rời bỏ lãnh đạo- những người cầm cân nảy mực thiếu minh bạch và thiếu sự cảm thông, thấu hiểu.

Cũng theo kết quả khảo sát, gần 40% người lao động cho biết họ nghỉ việc là do sếp “khó tính”. Trong số đó, khoảng 50% chia sẻ họ nhận thức được các ông chủ đang muốn tìm người khác thay thế vào vì trí của họ.

Tuy nhiên, ở một số khu vực khác, kết quả nghiên cứu lại rất khả quan và cho thấy vai trò quan trọng của người lãnh đạo trong doanh nghiệp. 74% nhân viên hiểu được những mong đợi và kì vọng của cấp trên đối với mình. 66% cho biết ông chủ có những hỗ trợ cần thiết và kịp thời tới những nhu cầu và mong muốn của họ. Đây là một tín hiệu khá lạc quan đối với các nhà lãnh đạo. Bởi trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc duy trì và giữ vững niềm tin của người lao động càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.


Hường Trịnh - (theo The Times of India)

Ý kiến bạn đọc