(VnMedia) - Ngày 27/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, theo kết quả báo cáo từ các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, trong thời gian từ tháng 12/2015 đến nay chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika về từ vùng có dịch.
Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, qua rà soát các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2015 không phát hiện trường hợp nào dương tính với vi rút Zika. Kết quả xét nghiệm 83 trường hợp có biểu hiện triệu chứng tương tự bệnh do vi rút Zika đầu năm 2016 tại 8 tỉnh có mật độ lưu hành muỗi Aedes cao khu vực phía Nam như: Đồng Tháp, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang phát hiện 5 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết Dengue tại Xuân Lộc (Đồng Nai) và Đồng Tháp; đặc biệt không có trường hợp nào dương tính với vi rút Zika.
Cục Y tế dự phòng khẳng định: Như vậy, các kết quả giám sát tiếp tục khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, tuy nhiên cần tiếp tục cảnh giác với nguy cơ xâm nhập của vi rút Zika vào nước ta. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nghi ngờ tại các địa phương để để kịp thời phát hiện trường hợp bệnh xâm nhập cũng như ổ dịch tại cộng đồng nhằm xử lý sớm, không để dịch lây lan.
Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Danh sách các quốc gia lưu hành hoặc ghi nhận vi rút Zika được cập nhật trên Website của Cục Y tế dự phòng: http:www.vncdc.gov.vn.
Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng về dịch bệnh Zika là: 0989, 671. 115.
Đặc biệt, để phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng).
Ảnh minh họa |
Biến chứng tiềm ẩn của vi rút Zika
Trong thời gian dịch Zika đầu tiên diễn ra tại Polynesia thuộc Pháp vào năm 2013-2014, trùng với khoảng thời gian xảy ra dịch sốt xuất huyết, cơ quan y tế quốc gia báo cáo về sự gia tăng bất thường đối với hội chứng Guillain-Barré. Các điều tra hồi cứu về sự ảnh hưởng này đang được tiến hành, bao gồm vai trò tiềm năng của vi rút Zika và các yếu tố khác. Một quan sát tương tự đối cũng cho thấy đối với sự gia tăng của hội chứng Guillain-Barré trong vụ dịch vi rút Zika đầu tiên ở Brazil vào năm 2015.
Trong năm 2015, cơ quan y tế địa phương ở Brazil cũng quan sát thấy có sự gia tăng trẻ sơ sinh với dị tật đầu nhỏ cùng thời điểm bùng phát dịch vi rút Zika. Cơ quan Y tế và các cơ quan khác đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa tật đầu nhỏ và vi rút Zika, bên cạnh những nguyên nhân có thể khác. Tuy nhiên cần có thêm các điều tra và nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn bất cứ mối liên quan có thể nào.
Hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh. Nó có thể do việc nhiễm một số loại vi rút và có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Chính xác những gì gây nên hội chứng chưa được biết. Các triệu chứng chính bao gồm yếu cơ và cảm giác kiến bò (tê và ngứa) ở tay và chân. Các biến chứng nặng có thể xảy ra nếu các cơ hô hấp bị ảnh hưởng, cần phải nhập viện. Hầu hết các trường hợp bị ảnh hưởng bởi hội chứng Guillain-Barré sẽ phục hồi, mặc dù một số người có thể tiếp tục trải qua các ảnh hưởng như suy yếu.
WHO cảnh báo vi rút Zika là thách thức khó kiểm soát
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cảnh báo, virus Zika đang là một thách thức lớn khó kiểm soát. Đánh giá virus Zika là một mối đe dọa lớn hơn bất cứ mối lo ngại y tế nào gần đây liên quan đến sự lây lan nhanh về mặt địa lí, bà Chan cảnh báo những khó khăn phía trước trong việc kiểm soát dịch bệnh này.
Mặc dù gây tỉ lệ tử vong cao hơn nhưng vi rút Ebola chỉ xảy ra tại 9 nước, dịch SARS cũng ảnh hưởng đến 26 nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 46 nước thông báo xuất hiện trường hợp nhiễm Zika.
Brazil là quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi virus Zika với 1,5 triệu người nhiễm bệnh. Bộ Y tế Brazil thông báo có 583 trường hợp trẻ em bị chứng đầu nhỏ từ tháng 10/2015, so với mức trung bình hàng năm là 150 trẻ em. Số lượng trường hợp nhiễm bệnh cũng tăng 14,7% so với tuần trước đó. WHO đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại Colombia - nơi các quan chức y tế cho biết, có 6.300 phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika trong số 37.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Ý kiến bạn đọc