(VnMedia) - Bác sỹ Trần Thu Thủy cho biết, són phân là tình trạng bệnh lý khi một ít phân rò gỉ ra quần lót của trẻ. Tình trạng này xuất hiện khi phần phân lỏng ở ruột non luồn lách qua khối phân cứng ở trực tràng và thoát ra ngoài. Sự cố thường xảy ra khi trẻ chạy nhảy, hoạt động mạnh.
Trong số các bé són phân vài lần mỗi ngày, rất nhiều trẻ bị táo bón nặng, thậm chí phân bị tắc hoàn toàn. Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ không cố tình làm són phân và không thể tự kiểm soát tình hình nếu khối tắc nghẽn không được giải phóng. Có rất nhiều lý do khiến trẻ bị táo bón – chế độ ăn giàu sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai), yếu tố di truyền, trẻ tránh đi ngoài vì bị đau hoặc nhịn tiêu để phản kháng chuyện tập ngồi bô. Bác sĩ sẽ khám toàn diện để loại trừ khả năng trẻ có bệnh lý thực thể gây táo bón.
Ảnh minh họa |
Cách điều trị khi trẻ son són phân do táo bón
Làm rỗng đại tràng
Bước đầu tiên trong điều trị són phân là làm rỗng đại tràng. Các biện pháp thường được áp dụng bao gồm:
- Thụt hậu môn: bơm nước vào trực tràng, tạo cơn mót tiêu.
- Thuốc đút hậu môn: kích thích ruột đẩy phân ra ngoài.
- Thuốc nhuận tràng: giúp rửa phần ruột già và trực tràng.
- Dùng tay tháo phân: đôi khi nhân viên y tế phải dùng tay để loại bỏ những khối phân lớn và quá cứng.
Dùng thuốc chống táo bón
Để làm mềm phân và giúp trẻ dễ đi ngoài, bác sĩ có thể cho bé dùng một trong các thuốc sau:
- Nhóm thuốc tạo khối, bổ sung chất xơ (methylcellulose)
- Nhóm thuốc làm mềm phân (parafin lỏng, docusate)
- Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu – lactulose, sorbitol.- macrogol /polyethylene glycol, glycerin.
Trẻ cần dùng thuốc này liên tục trong vòng 3-6 tháng theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa tắc phân. Thường thì hết thời gian này, ruột của trẻ sẽ phục hồi khả năng co thắt và có thể tống phân ra ngoài.
Dùng thuốc nhuận tràng kích thích
Trường hợp các thuốc chống táo bón ở mục 2 không phát huy tác dụng, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng kích thích, chẳng hạn Bisacodyl. Thuốc này giúp đại tràng co thắt và đẩy phân về phía trực tràng. Thuốc nhóm này có một số tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn, chướng bụng, co thắt cơ bụng, vì vậy cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn giàu chất xơ
Động viên trẻ ăn nhiều rau củ quả và thực phẩm giàu chất xơ. Hạn chế các chế phẩm sữa (sữa tươi, sữa chua, pho mai, kem) và cà rốt nấu chín. Không nên cho trẻ uống quá 2 cốc sữa mỗi ngày hoặc lượng sữa tương đương ở dạng khác. Trong bữa ăn, tránh bắt ép trẻ quá mức, hãy đưa ra vài lựa chọn về thực phẩm để bé có thể tự quyết định.
Động viên trẻ ngồi bồn cầu sau bữa ăn
Trẻ cần ngồi bồn cầu cho tới khi đi tiêu được, hoặc ít nhất phải ngồi 10 phút mỗi lần. Nếu trẻ không tập luyện như vậy thì thuốc sẽ chẳng mang lại hiệu quả. Bình thường, trẻ có thể nhận biết rất rõ cảm giác mót tiêu, khi trực tràng đầy phân. Trẻ bị tắc phân trong thời gian dài bị mất cảm giác này và cần 2-4 tuần để phục hồi. Trong suốt thời gian đó, trẻ phải ngồi bồn cầu kể cả khi không thấy mót. Thời gian tốt nhất để đi vệ sinh là khoảng 20-30 phút sau bữa ăn.
Bác sĩ có thể yêu cầu bé hứa tự mình làm việc này, nhưng có thể con sẽ cần đến sự giúp đỡ của bạn. Hãy nhắc nhở con khi cần nhưng không nên làm điều này quá 2 lần mỗi ngày hoặc tỏ ra gay gắt, làm vậy có thể gây phản ứng tiêu cực ở trẻ. Đừng bắt bé nhất định phải ngồi bồn cầu nếu con đang bận bịu việc gì đó. Hãy nói với con rằng bạn muốn ngồi bồn cầu là khoảng thời gian vui vẻ của con. Hỏi xem bé muốn làm gì. Chọn thời điểm thích hợp để nhắc con một cách nhẹ nhàng. Có thể nói: ”Bác sĩ yêu cầu ba mẹ nhắc con đấy nhé”.
Hướng dẫn bé cách đi đại tiện:
- Giải thích rằng phân sẽ không tự chui ra, bé cần rặn khi đi tiêu.
- Hướng dẫn bé ngồi gập người về phía trước, sao cho ngực chạm đùi. Tư thế này rất hiệu quả, giúp hậu môn mở ra. Ngả người về phía trước rồi thư giãn một chút có thể giúp phân di chuyển nhanh xuống dưới.
- Nếu chân của bé chưa chạm sàn, hãy kê ghế con cho bé làm chỗ tựa.
- Động viên bé ngồi bồn cầu thường xuyên hơn: có thể ngồi 10 phút mỗi giờ (vào ngày nghỉ hoặc sau giờ học) cho tới khi bé đi tiêu được bãi lớn. Làm như vậy nếu bé bị són phân (són phân luôn đồng nghĩa với việc trực tràng đang căng đầy), hoặc nếu con cảm thấy bụng tắc đầy phân, đau bụng, co thắt cơ vùng bụng.
Nguyên tắc giúp bé thoát són phân
Đi tiêu mỗi ngày
Uống thuốc đúng giờ mỗi ngày
Nếu không thể đại tiện dễ dàng thì ngồi bồn cầu sau mỗi bữa ăn.
Khen ngợi khi bé không bị són phân
Một số bé cần được khen ngợi nhiều hơn những bạn khác, cách hỗ trợ này thường tỏ ra hiệu quả. Chẳng cần bạn thưởng cho bé, trừ khi trẻ không phối hợp hoặc còn quá nhỏ (dưới 5 tuổi). Thoát khỏi táo bón và són phân đủ để bé cực kỳ vui sướng rồi.
Giúp bé học cách sử xự khi bị són phân
Nếu bé dùng thuốc đúng chỉ định và đi đại tiện đều đặn thì sự cố sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, việc điều chỉnh loại thuốc và liều thuốc có thể phải kéo dài trong vài tuần. Trong thời gian này, một số trẻ có thể bị són phân tái phát (thường là sau 4-5 ngày không đi tiêu).
Những việc cần làm khi trẻ bị són phân:
- Không phớt lờ việc són phân: Ngay khi phát hiện con bị són phân (xuất hiện mùi lạ hoặc bé có hành vi khác thường), hãy nhắc bé đi rửa ráy và thay quần ngay. Động viên bé tìm gặp bạn trước khi sự cố bị người khác phát hiện. Rất khó mong chờ trẻ tự thú nhận là mình ị đùn.
- Tiến hành rửa ráy, tốt nhất nên để trẻ học cách tự làm vệ sinh.
- Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ, hãy cho bé ngồi vào chậu nước ấm trong vòng 5 phút để giúp cơ hậu môn thư giãn và tạo cảm giác mót tiêu.
- Sau đó yêu cầu bé ngồi bồn cầu cho tới khi đi được bãi lớn, hoặc ít nhất là ngồi 10 phút mỗi giờ cho tới khi đi tiêu được. Giải thích với bé rằng nguyên nhân khiến phân rò gỉ là do trực tràng quá đầy và cần được làm rỗng.
- Giặt quần bẩn: Hướng dẫn trẻ lớn tráng phần quần dính bẩn vào bồn cầu rồi ngâm quần với xà phòng trong một chiếc chậu nhỏ. Với các bé dưới 7- 8 tuổi, nhiều khả năng bạn sẽ phải tự mình làm phần lớn công việc.
- Không phạt bé: Đừng mắng mỏ, chỉ trích hay phạt con. Đừng cho phép anh chị em trêu chọc bé.
Phối hợp với nhà trường
- Trẻ bị són phân cần được đi vệ sinh ngay khi cơ thể phát ra tín hiệu. Giải thích rõ cho trẻ về tình trạng táo bón của con, nói để bé hiểu và không cảm thấy xấu hổ khi phải đi vệ sinh trong giờ học.
- Cha mẹ có thể trao đổi với nhà trường để xin phép cho con sử dụng hiệu lệnh bí mật với giáo viên khi có nhu cầu đi tiêu. Đừng bao giờ để bé phải chờ khi mót tiêu.
- Chỉ cho bé biết nhà vệ sinh của trường nằm ở chỗ nào để con không hoảng loạn khi có nhu cầu đi tiêu.
- Mặc cho con loại quần dễ cởi. Tùy theo mức độ són phân, có thể cần dự trữ quần sạch trong ba lô của con.
- Trẻ bị són phân thường bị bạn bè chêu trọc nhạo báng vì mùi khó chịu. Trao đổi với giáo viên để các bạn không trêu chọc con.
Giúp bé ghi nhật ký
Hãy luyện cho trẻ thói quen ghi nhật ký, đánh dấu các thời điểm xảy ra sự cố. Cần duy trì việc này cho tới khi trẻ ngừng dùng thuốc hoàn toàn và không còn són phân trong vòng 1 tháng. Nhật ký sẽ giúp bác sĩ tìm ra liệu trình phù hợp nhất với bé.
Tái khám đúng hẹn
Biết rằng mình sẽ phải tái khám bác sĩ và thông báo về những tiến bộ đạt được có thể là một động lực tốt cho trẻ. Đối với trẻ trên 8 tuổi, cha mẹ nên cho con tham gia bàn luận về liệu trình điều trị của mình. Trẻ càng được tham gia nhiều và cảm thấy có trách nhiệm bao nhiêu thì kết quả điều trị sẽ càng khả quan bấy nhiêu. Cuộc tái khám đầu tiên đặc biệt quan trọng, giúp bác sĩ kiểm tra xem khối phân gây tắc nghẽn đã được tống ra ngoài hoàn toàn hay chưa. Nên nhớ rằng chế độ ăn giàu chất xơ sẽ chỉ phát huy tác dụng chống táo bón sau khi ruột của trẻ đã rỗng.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu: Trẻ bị són phân 2 lần hoặc hơn và ngồi bồn cầu không giúp ích gì; Bạn có cảm giác con lại bị tắc phân trở lại; Bé tiếp tục bị đau khi đi tiêu; Bé không chịu uống thuốc; Bé không chịu đi tiêu; Bạn có những lo ngại khác.
Ý kiến bạn đọc