Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 46% nước thải y tế đi đâu?

07:00, 17/01/2016
|

(VnMedia) - Đó là một trong những câu hỏi được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đặt ra cho ngành Y tế cả nước tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, các nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.

Theo kết quả báo cáo của bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 54,4% các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn, 95% bệnh viện thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế nguy hại hằng ngày, trong đó có 29,4% bệnh viện sử dụng lò đốt hai buồng hoặc công nghệ vi sóng/nhiệt ướt khử khuẩn chất thải rắn y tế nguy hại, còn lại xử lý bằng lò đốt một buồng, thiêu đốt thủ công, tự chôn lấp hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ xử lý.

Theo đó, một trong những câu hỏi được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đặt ra cho ngành Y tế cả nước, đó là ngoài 54,4% các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn hiện nay, gần 46% nước thải y tế thải đi đâu? "Xuống sông chứ đi đâu, ra ngoài đồng, ngoài ruộng thôi. Ô nhiễm vô cùng. Các bệnh hô hấp, đường ruột từ đó mà ra. Y tế dự phòng ở đâu? Chúng ta thấy xót xa, nhưng chúng ta chưa làm tốt hơn được. Nếu có một cơ chế cho doanh nghiệp, chúng ta sẽ chủ động nguồn lực để giải quyết tốt vấn đề này", Thủ tướng nói.

Liên quan đến công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, Thủ tướng lo lắng khi thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đã qua rất nhanh, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề dân số già. “Vấn đề quan trọng không kém là chúng ta phải nâng cao chất lượng dân số, chúng ta cứ nói tuổi thọ trung bình dân số Việt Nam là 71, 72 tuổi, nhưng đến 56, 57 tuổi đã què quặt hết rồi, có chấp nhận được không?”, Thủ tướng hỏi.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị ngành y tế làm tốt nhiệm vụ: y tế dự phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân, công tác phòng bệnh phải đi song song với chữa bệnh, không để các dịch bệnh như dịch sởi bùng phát trở lại, các dịch sốt xuất huyết phải được kiểm soát chặt chẽ, các dịch bệnh nguy hiểm từ các quốc gia khác như Ebola phải được kiểm soát, ngăn chặn triệt để…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nước thải bệnh viện

Nước thải bệnh viện bao gồm 02 nguồn : nước thải y tế và nước thải sinh hoạt. Nước thải y tế phát sinh từ các phòng khám, phòng phẫu thuật, phòng thí nghiệm, xét nghiệm và các khoa trong bệnh viện. Nước thải này chứa nhiều vi khuẩn, mầm bệnh, máu, các hóa chất, dung môi trong dược phẩm…, từ phòng thanh trùng dụng cụ y khoa với nhiệt lượng cao, từ nhà giặt tẩy….

Nước thải bệnh viện ngoài các yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn, còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các phế phẩm thuốc, các chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.

Điểm đặc thù của nước thải bệnh viện là sự lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt nguy hiểm là nước thải từ những bệnh viện chuyên các bệnh truyền nhiễm cũng như khoa lây nhiễm của bệnh viện sôma. Những nguồn nước thải bệnh viện này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng lan truyền vào nước thải những tác nhân truyền nhiễm qua đường tiêu hóa và làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước, qua các loại rau được tưới bằng nước thải.


Ý kiến bạn đọc