Xây dựng bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn

07:32, 12/12/2015
|

(VnMedia) - Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo xây dựng mô hình bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị.

Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Hoàng Văn Thành cho biết, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng, vì nếu xảy ra nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ để lại hậu quả nặng nề như làm tăng khả năng kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị. Kháng thuốc cũng chính là một trong những nguyên nhân gây tăng chí phí, tăng ngày nằm viện và làm tăng biến chứng, tử vong ở bệnh nhân. Nhiễm khuẩn bệnh viện còn làm giảm chất lượng điều trị và làm giảm uy tín của Bệnh viện.

Trong thời gian qua, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống kháng kháng sinh được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Bộ Y tế và các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, các chuyên gia chống nhiễm khuẩn trong nước đã xây dựng đề án nâng cao năng lực khoa Truyền nhiễm và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo ông Hoàng Văn Thành, thực tế hiện nay, ban giám đốc, lãnh đạo bệnh viện nào quan tâm, ở nơi đó, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện tốt, góp phần vào thành công của công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Nhưng hiện nay, việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện chưa có sự thống nhất cao, chưa có chuẩn mực cụ thể.

Do đó, việc xây dựng mô hình bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩm nhằm cụ thể hóa các quy định, các hướng dẫn chuyên môn và định hướng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho phù hợp các tuyến bệnh viện của Việt Nam.

Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới cũng cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong bốn lĩnh vực: xây dựng và củng cố mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng các hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn và xây dựng mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nguồn lây nhiễm

Trong nhiễm khuẩn bệnh viện, người là nguồn truyền nhiễm chủ yếu và bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất.

- Bệnh nhân: là các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm đang được điều trị tại khoa truyền nhiễm hoặc các khoa nội, ngoại. Bệnh nhân đang điều trị bệnh không nhiễm trùng nhưng đang đồng mắc bệnh truyền nhiễm thể điển hình hoặc không điển hình hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng.

- Nhân viên y tế: có thể là đang có bệnh ở các mức độ khác nhau (nhưng vẫn đi làm việc) hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng.

- Người nhà bệnh nhân: đang mắc bệnh mang mầm bệnh không triệu chứng.

Cơ chế lây truyền

Nhiễm khuẩn bệnh viện có cơ chế lây truyền như cơ chế lây truyền bệnh nhiễm khuẩn (qua các đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, máu, da, niêm mạc). Tuy nhiên, có 3 cơ chế quan trọng nhất, đó là:

- Lây qua tiếp xúc: là cơ chế phổ biến và quan trọng nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện. Có thể là tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bàn tay nhân viên y tế, bơm kim tiêm, các dụng cụ thăm khám, điều trị có tính chất xâm nhập, các chất thải ô nhiễm như bông băng, dịch rỉ vết thương, vết loét, vết bỏng...

- Lây qua giọt bắn: tác nhân gây bệnh có trong các dịch được bắn ra từ bệnh nhân (hoặc từ nguồn truyền nhiễm) thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện; các giọt bắn từ các dịch cơ thể khi thực hiện các thủ thuật... Các giọt này sẽ bắn vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người tiếp xúc. Các giọt bắn có kích thước tương đối lớn và thường chỉ bắn được sang người tiếp xúc trong phạm vi dưới 1 mét.

- Lây qua đường hô hấp: cơ chế này chiếm gần 9% các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện. Mầm bệnh được thải ra khỏi nguồn truyền nhiễm qua nói, ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc qua các thủ thuật thăm khám, điều trị... làm văng, bắn ra các hạt ô nhiễm (nước bọt, đờm dãi, máu, dịch cơ thể...) có chứa mầm bệnh. Những hạt này nếu có kích thước lớn từ 5 àm trở lên sẽ bắn trực tiếp vào những người xung quanh trong phạm vi dưới 1 mét và có thể bắn xa hơn phụ thuộc vào lực ho của người bệnh. Với những hạt có kích thước dưới 5 àm sẽ bay lơ lửng trong không khí và xâm nhập vào người cảm thụ qua đường mũi, miệng.


Ý kiến bạn đọc