Đã có vắc xin chống virus sốt xuất huyết

07:18, 11/12/2015
|

Bộ Y tế Mexico chính thức công nhận vắc xin đầu tiên chống lại loại virus khiến 100 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết mỗi năm.

Trước đó, vắc xin đã được thử nghiệm trên 40.000 bệnh nhân ở 15 quốc gia, Fox News đưa tin. Ủy ban Liên bang về Bảo vệ chống lại rủi ro sức khỏe (COFEPRIS) của Mexico tuyên bố hôm 9/12 rằng văcxin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả, tuy nhiên chưa nêu rõ tên thuốc.

Tập đoàn Sanofi, Pháp là hãng sản xuất vắc xin này. Ông Olivier Charmeil, trưởng đơn vị vắc xin của tập đoàn tiết lộ Vắc xin có tên Dengvaxia, được áp dụng tại một số nước như Mỹ La tinh, châu Á.

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, việc tiêm vắc xin có thể ngăn chặn tất cả 4 loại virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Không giống như bệnh sốt rét và một vài bệnh khác do muỗi gây ra, bệnh sốt xuất huyết ảnh hưởng tới bất kỳ quốc gia nào từ phát triển, giàu có đến các quốc gia thu nhập trung bình như ở châu Mỹ Latinh và các quốc gia nghèo khó ở châu Phi.

Đặc biệt ở một vài nước Mỹ La tinh, tình trạng thiếu nước ở Sao Paulo, Braxin khiến người dân địa phương buộc phải cất trữ nước trong các xô chậu, vô tình tạo môi trường sinh sống của muỗi, làm dịch bệnh càng khó kiểm soát.

Sanofi cho biết giá của  Dengvaxia sẽ rất hợp lý và ổn định.  Theo ông Guillaume Leroy, phó chủ tịch dự án vắc xin sốt xuất huyết của Sanofi, một vài quốc gia sẽ được miễn phí. Dengvaxia không khuyến khích sử dụng cho trẻ dưới 9 tuổi.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối năm 2014, Dengvaxia có tỷ lệ phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả đạt 60,8%, đặc biệt hữu ích để ngăn tái phát bệnh. Văcxin được dùng chủ yếu cho nhóm tuổi từ 9 đến 45, ưu tiên những vùng dễ phát sinh bệnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2015: Sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch lớn

Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết hiện đang là vấn đề y tế công cộng trên toàn cầu, bệnh có thể gây thành dịch lớn, có tỷ lệ tử vong cao (trung bình từ 2,5-5%). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 390 triệu người mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi.

Sốt xuất huyết chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia và trong khu vực.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, hằng năm có từ 50-100.000 người mắc và gần 100 trường hợp tử vong​.

Tính đến 19/10/2015, cả nước ghi nhận 51.858 trường hợp mắc tại 54 tỉnh, thành phố, 32 trường hợp tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (36.521 trường hợp mắc chiếm 70,4%, 29 trường hợp tử vong chiếm 90,6%); 78,9% là trẻ dưới 15 tuổi, 83,3% là nữ.

Bộ Y tế nhận định tình hình sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm còn nhiều nguy cơ gia tăng vì năm nay lượng mưa lớn, xảy ra trên diện rộng; tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng tạo điều kiện cho muỗi phát triển; năm 2014 là năm dịch sốt xuất huyết có số mắc thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ (4-5 năm) do vậy dự báo năm 2015 sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch lớn.


Ý kiến bạn đọc