Khi thấy con bị sốt, nhiều bậc cha mẹ đã tìm đến những phương pháp hạ sốt thiếu cơ sở khoa học mà mang lại hậu quả khôn lường cho con em mình.
Dùng miếng dán hạ sốt thay thuốc hạ sốt
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị sốt thay vì cho con uống thuốc, các mẹ mua miếng dán hạ sốt cho con dùng vì sợ con uống nhiều thuốc sẽ không tốt. Tuy nhiên miếng dán hạ sốt không thể chữa bệnh, nếu lạm dụng còn có thể dẫn đến nhiều trường hợp nguy hiểm cho tính mạng của trẻ nhỏ. Đặc biệt khi trẻ sốt cao, phụ huynh không cho đi khám mà lại giữ nhà dùng miếng dán. Việc này khiến tình trạng của bé dễ trở nên nguy kịch, ảnh hưởng tính mạng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho rằng việc lạm dụng miếng dán để hạ sốt là sai lầm.
PGS Dũng cho biết, ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ sốt nặng, biến chứng vì cha mẹ cho con dán miếng dán hạ sốt mà không cho các cháu uống thuốc hạ sốt ngay. Nhiều bậc phụ huynh còn cho miếng dán vào ngăn mát rồi dán vào trán cho trẻ. Cơ chế hạ nhiệt của miếng dán được quảng cáo là hấp thu nhiệt và phân tán ra ngoài nhưng thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của phương pháp này.
Khi dùng miếng dán hạ sốt, sờ da trẻ sẽ thấy mát hơn nhưng thực tế nhiệt độ cơ thể không hề giảm. Thậm chí trẻ có thể bị nặng hơn vì ngấm lạnh vào người.
Ảnh minh họa |
Hạ sốt bằng chườm đá lạnh hoặc dùng chanh xoa
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra triệu chứng sốt cho trẻ. Nếu bố mẹ không rõ nguyên nhân. Thay vì cho con uống thuốc các mẹ thường cho nước đá vào túi ni-lông hoặc bọc vải rồi chườm cho trẻ. Cách này chỉ giúp làm mát tại vị trí chườm nhưng lại dễ làm trẻ bị “bỏng lạnh”, gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài dẫn đến sốt cao hơn. Ngoài ra, đá lạnh có thể khiến trẻ bị sưng phổi.
Còn cách hạ nhiệt bằng việc dùng chanh xoa cho trẻ sẽ làm phỏng da hay hư da vì trong chanh có chứa axit loãng. Nếu nặn chanh hay chất gì vào miệng khi trẻ sốt cao dễ gây sặc và tử vong ở trẻ.
Cạo gió, cắt lể để nặn máu độc, hạ sốt
Cạo gió được xem là phương pháp chữa bệnh dân gian được dùng phổ biến. Tuy nhiên, nếu cạo gió cho trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, khi trẻ bị sốt xuất huyết, bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió. Do đó, tuyệt đối không cạo gió, cắt lể khi trẻ sốt.
Dùng tay để đo nhiệt độ cho trẻ
Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng tay để xác định nhiệt độ của con. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cách xác định thân nhiệt cho trẻ bằng cảm quan như vậy sẽ không chính xác. Cha mẹ phải dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ cho trẻ.
Dụng cụ có thể sử dụng là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử để đo nách, đo tai, đo trán/thái dương. Tuy nhiên, hiện nay không nên sử dụng nhiệt kế thủy ngân vì không an toàn. Thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là trong trường hợp trẻ nuốt phải.
Với trẻ sơ sinh, nên sử dụng nhiệt kế điện tử để kẹp vào nách. Với trẻ 3 tháng - 5 tuổi, có thể lấy nhiệt độ tại nách hoặc tai. Trẻ lớn hơn thì có thể lấy ở nách là chủ yếu.
Để tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc trẻ sốt cao, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết cách hạ sốt cho con đơn giản mà các bậc phụ huynh có thể làm ngay tại nhà là dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt dùng khăn lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt hiệu quả.
Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước pha rượu hoặc cồn để lau cho trẻ.
Để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm hoặc cởi hết đồ cho trẻ. Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió;
Uống nhiều nước hoặc các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, tốt nhất là uống nước oreson để bù nước cho cơ thể
Khi trẻ sốt cao liên tục (trên 39 độ C), khò khè, khó thở, ngủ li bì, khó đánh thức, co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn, mỏ ác phồng cao, cổ cứng, xuất huyết, bỏ bú, tiêu chảy… cần kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Ý kiến bạn đọc