(VnMedia) - Đó là thông tin được PGS,TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại Hội nghị tổng kết hoạt động dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai dự án giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức tại Hà Nội ngày 18/12.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là hai bệnh hô hấp phổ biến nhất với tỷ lệ tàn phế và tử vong cao trong các bệnh hô hấp hiện nay. Những kết quả ban đầu trong nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% và tỷ lệ mắc hen phế quản là 4,1%. Mặc dù y học đã có nhiều cố gắng trong chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của 2 bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Căn bệnh này gây ra nhiều hậu quả lớn đến sức khỏe con người, làm giảm chất lượng cuộc sống và là gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất tốn kém.
Trước sự gia tăng nhanh chóng và gánh nặng của căn bệnh này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2010. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối và triển khai Chương trình dự án từ năm 2011.
Chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 – 2015. Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng được mạng lưới quản lý bệnh tại các tuyến cơ sở ở các tỉnh triển khai dự án; cải thiện đáng kể năng lực chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản của cán bộ y tế; nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã triển khai chương trình trên 45 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự án đã triển khai mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn các địa phương tham gia dự án với hạt nhân là 97 phòng quản lý đặt tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, thành phố, trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh; đào tạo 14 lớp giảng viên nguồn với 745 học viên là các bác sỹ thuộc các tỉnh, thành phố tham gia dự án và một số tỉnh không thuộc dự án; 22 lớp đào tạo kỹ thuật viên cho 355 học viên là bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; 420 lớp chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại các tỉnh với 21 286 học viên.
Đặc biệt, việc duy trì đều đặn hoạt động của câu lạc bộ bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại Bệnh viện Bạch Mai, tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại địa phương trong quá trình triển khai dự án, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn 2016 – 2020 tại mỗi địa phương hiệu quả, thiết thực hơn...
Ý kiến bạn đọc