(VnMedia) - Ung thư cổ tử cung là một bệnh phổ biến và gây tử vong cao cho chị em phụ nữ. Ung thư cổ tử cung không chỉ nguy hiểm với sức khoẻ người bệnh mà còn là hiểm hoạ đe doạ hạnh phúc gia đình và gánh nặng của toàn xã hội.
Nhiều người lo sợ mình sẽ mắc ung thư cổ tử cung nhưng ít người biết được rằng, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa được với nhiều biện pháp khác nhau.
Ước tính trên thế giới hiện có hơn 1 triệu phụ nữ đang phải sống chung với bệnh ung thư cổ tử cung. Rất nhiều trong số đó không có đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ điều trị bệnh hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Phụ nữ nghèo có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung xâm lấn cao hơn.
Tại Việt Nam, hàng năm có đến hơn 6.000 phụ nữ phát hiện bị ung thư cổ tử cung và hơn phân nửa số đó tử vong, đồng nghĩa với mỗi ngày 9 phụ nữ Việt Nam chết vì căn bệnh này. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đây là căn bệnh ung thư thường gặp hàng đầu ở phụ nữ từ 15 – 44 tuổi tại Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành hướng dẫn mới phòng chống ung thư cổ tử cung bao gồm:
Không quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục sớm (ở tuổi dậy thì) là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi-rút HPV vì trong giai đoạn này, khả năng tự bảo vệ trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh rất kém. Lứa tuổi này cũng dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì các màng nhầy đang trong giai đoạn này vô cùng nhạy cảm.
Tiêm phòng: Nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút Papilloma ở người (HPV) qua đường tình dục. Khoảng 80% phụ nữ có thể bị lây nhiễm loại vi-rút này tại một thời điểm nào đó trong đời. Vi-rút HPV nếu không được phát hiện ở giai đoạn đầu và không điều trị kịp thời sẽ gây ra những thay đổi bất thường đối với các tế bào cổ tử cung và dần dà có thể bị ung thư.
Các trẻ em gái nên được tiêm 2 liều vắc-xin HPV ngay từ lúc 9 – 13 tuổi để tránh lây nhiễm vi-rút HPV – loại vi-rút gây ra phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng việc tiêm 2 liều vắc-xin HPV có thể mang lại hiệu quả tương tự lộ trình 3 liều như hiện nay. Phụ nữ, trẻ em gái ở hơn 55 quốc gia trên thế giới đã được bảo vệ bởi vắc-xin HPV.
Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV: Từ trước tới nay, ung thư cổ tử cung chủ yếu được phát hiện qua xét nghiệp phết tế bào cổ tử cung (PAP), kiểm tra trực quan với acid acetic (VIA) và xét nghiệm HPV ADN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có tới 33% số ca ung thư cổ tử cung xảy ra ở những người phụ nữ có kết quả xét nghiệm PAP bình thường. Vì vậy, để tầm soát ung thư cổ tử cung, phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ cao cần được xét nghiệm cả HPV.
Xét nghiệm HPV sẽ giúp giảm tần suất sàng lọc ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV có độ nhạy 90 – 95%, các quy trình đều do máy móc tự động thực hiện nên tránh được sai sót do yếu tố con người.
Không nên chủ quan: Theo các chuyên gia WHO, việc phòng ngừa và sàng lọc ung thư cổ tử cung nên được thực hiện ở tất cả các phụ nữ chứ không chỉ tập trung vào nhóm trên 29 tuổi như trước đây. Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung là một trong những yếu tốt then chốt quyết định thành công của việc điều trị.
Tất cả phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, theo WHO, tình trạng bất bình đẳng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở các nước đang phát triển gia tăng trong suốt 30 năm qua.
Chế độ nghỉ ngơi, vận động
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thoải mái đồng thời hạn chế căng thẳng, stress là nguyên nhân khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.
- Định kỳ 3 tháng, bạn nên khám phụ khoa 1 lần và làm thêm xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh phụ khoa, đặc biệt là những biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư cổ tử cung.
Lưu ý:
- Phụ nữ cần quan hệ tình dục cẩn thận, hạn chế dùng thuốc tránh thai đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp. Thực hiện an toàn tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
- Tránh hút thuốc lá hay tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.
- Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, ma túy,…
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô ráo, đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm như: kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục, tiền mãn kinh, mãn kinh, sinh nở, giai đoạn sau sinh,…
- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh nhiều con.
Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc