Nhà nước đợi 10 năm để "chốt lời" Vinamilk

12:51, 15/10/2015
|

Ngày 8/10/2015, Chính phủ có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về đề án tái cơ cấu SCIC, trong đó trọng tâm là thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nơi Nhà nước đang sở hữu 45,1% cổ phần, tương đương 541,5 triệu cổ phiếu, trị giá 55.233 tỉ đồng (2,47 tỉ đô la Mỹ) theo giá đóng cửa ngày 13/10/2015.

Thông tin trên đã truyền tải tới giới đầu tư và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước thông điệp của Chính phủ sẵn sàng đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp quốc doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao quản trị kinh doanh, sức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương. Việc thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk và những doanh nghiệp khác đồng thời sẽ giúp ngân sách cải thiện nguồn thu, bù đắp bội chi, giảm tỷ lệ vay nợ nước ngoài. 

Ngành sữa đã từ nhiều năm nay được khẳng định là lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Từ diễn đàn Quốc hội cho đến các phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận xã hội ủng hộ việc Nhà nước thoái vốn ở Vinamilk bởi kể từ khi cổ phần hóa đến nay, Vinamilk ngày càng kinh doanh hiệu quả, đóng thuế năm sau cao hơn năm trước (tính đến năm ngoái công ty đã nộp ngân sách tổng cộng 19.000 tỉ đồng), mà Nhà nước không cần phải điều hành, quản lý.

Với nguồn tiền thu từ Vinamilk, ngân sách có thể sử dụng cho những mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục... với ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Ảnh: TLTBKTSG
Với nguồn tiền thu từ Vinamilk, ngân sách có thể sử dụng cho những mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục... với ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Ảnh: TLTBKTSG

Không chỉ nhìn vào số thuế đã thu được từ Vinamilk (mà một quan chức cấp cao Bộ Tài chính nói rằng nếu doanh nghiệp nào cũng làm ăn được như Vinamilk, hẳn ngân sách nhà nước đã không đến nỗi phải giật gấu vá vai đến vậy), giá trị phần vốn nhà nước tại đây còn luôn tăng đều đặn, nhanh chóng kể từ khi công ty niêm yết tháng 1-2006. Lúc bấy giờ Nhà nước sở hữu 50,01% cổ phần Vinamilk, trị giá khoảng 3.900 tỉ đồng. Nay Nhà nước nắm trong tay số tiền gấp hơn 14 lần.

Nếu tính cả số cổ tức mà Nhà nước đã nhận được gần 9.000 tỉ đồng nữa, thì số vốn mà Nhà nước đã bỏ vào Vinamilk sinh lời 16,5 lần. Nói cách khác, chưa đầy 10 năm, giá trị khoản đầu tư của Nhà nước tăng 16,5  lần, bình quân 165%/năm. Không có khoản đầu tư của bất kỳ tổ chức nào ở Việt Nam đạt siêu lợi nhuận hơn thế. Và chắc chắn mọi quỹ đầu tư tiếng tăm trên thế giới đều mơ ước có được thành công tuyệt vời như vậy!

Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của SCIC, thừa nhận Vinamilk là “con gà đẻ trứng vàng” cho tổng công ty. Không có Vinamilk, doanh thu và lợi nhuận của SCIC hàng năm không thể “hoành tráng” như mong đợi. Trong một thập kỷ qua, SCIC thu được 21.000 tỉ đồng cổ tức từ phần vốn nhà nước (theo số liệu của SCIC), thì phần đóng góp của Vinamilk chiếm 43%. Giá trị vốn hóa phần vốn nhà nước của tất cả các công ty mà SCIC đang quản lý hiện nay khoảng 73.000 tỉ đồng, trong đó 75% thuộc về giá trị vốn hóa số vốn ở Vinamilk.     

Mười năm có lẽ là quãng thời gian đủ dài để Nhà nước “chốt lời” khoản đầu tư ở Vinamilk. Từ nay Nhà nước có quyền tự hào là nhà đầu tư số 1 kể từ khi khai sinh thị trường chứng khoán Việt Nam. Với nguồn tiền thu từ Vinamilk, ngân sách có thể sử dụng cho những mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục... với ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Đầu tư và thoái vốn ở Vinamilk là dẫn chứng sinh động cho thấy Nhà nước không cần phải trực tiếp kinh doanh một số lĩnh vực, mà chỉ cần tạo sân chơi bình đẳng, môi trường pháp lý đầy đủ, giúp doanh nghiệp chủ động, tự bươn chải, làm giàu cho đất nước và cho chính bản thân.

Ở một góc độ khác, Vinamilk xứng đáng là doanh nghiệp niêm yết hàng đầu mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng cho cổ đông và nhà đầu tư trung, dài hạn. Tới đây khi “chốt lời”, nhường lại vị trí cổ đông lớn cho các nhà đầu tư, Nhà nước sẽ chọn thời điểm bán, phương thức bán “nhằm đạt được lợi ích cao nhất” như chỉ đạo của Chính phủ trong văn bản vừa ban hành. Cách thức bán hợp lý sẽ là đấu giá công khai, minh bạch, một lần hoặc nhiều lần, cho mọi đối tượng tham gia. Những quỹ đầu tư ngoại chưa từng đến Việt Nam, đang quản lý hàng chục tỉ đô la Mỹ/quỹ, thường chỉ chú ý đến các thương vụ trị giá tỉ đô trở lên; những tập đoàn đa quốc gia muốn đặt chân vào ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng như sữa ở Việt Nam hẳn không thể bỏ qua cuộc đấu giá cổ phần Vinamilk của Nhà nước.

Tháng 11/2005, khi Vinamilk đấu giá, giá trúng thầu bình quân gần 49.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi thị giá trên thị trường OTC. Khó đoán trước giá trúng thầu cả “cục” cổ phần của Nhà nước lần tới, nhưng triển vọng cao hơn thị giá hiện tại trên sàn là rất hiện thực. Ngân sách có thể tính tới nguồn thu 3 tỉ đô la Mỹ, thậm chí cao hơn nữa.

Từ nay câu chuyện Vinamilk là câu chuyện của cả thị trường vì khi Nhà nước “chốt lời”, giá trị vốn hóa của Vinamilk sẽ tăng nhanh chóng, bỏ xa Vietcombank. Không nghi ngờ biến động giá cổ phiếu Vinamilk sẽ quyết định sự lên xuống của VN-Index. Chứng khoán luôn phô bày những bất ngờ không đo lường được. Năm ngoái VN-Index còn mang dấu ấn GAS-Index. Mấy tháng nay VN-Index lại khoác áo VCB-Index. Tới đây tên mới của chỉ số sẽ là VNM-Index. Từ khí đến ngân hàng rồi qua sữa, sắc màu chứng khoán thật sinh động!

(theo Thời báo kinh tế Sài gòn)


Ý kiến bạn đọc