(VnMedia) - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã ký quyết định công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh.
Nam Định đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 lần đầu tiên diễn ra tại đây. Theo đó, dịch cúm gia cầm A/H5N6 được xác định đã xuất hiện tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh. Hiện toàn bộ số gia cầm mắc bệnh đã được các cơ quan chức năng địa phương tiêu hủy theo quy định
Chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Nam Định trong quyết định trên yêu cầu các huyện Vụ Bản và Trực Ninh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo Pháp lệnh Thú y; đồng thời nhanh chóng bao vây, dập tắt dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Các xã Hiển Khánh, Trực Phú phải thành lập các chốt gác kiểm dịch; nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong thời gian có dịch trên địa bàn; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và các khu vực xung quanh ổ dịch.
Các địa phương trong tỉnh, nhất là những xã, phường, thị trấn ở gần vùng dịch phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tránh chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa |
Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây truyền sang người
Theo thông báo của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 10 đến nay, đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A(H5N6) , A(H5N1) trên gia cầm trên địa bàn một số tỉnh: Nam Định, Tuyên Quang, Thái Bình. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã có các Công điện gửi đến Sở Y tế các tỉnh nêu trên (đính kèm) đề nghị khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dịch.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao ; Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.
Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch; Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Ngoài ra, cần thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây sang người
Từ đầu năm 2015 đến nay tại Việt Nam không ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm nào trên người, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đặc biệt từ nay đến cuối năm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc