(VnMedia) - Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong tháng 8-9, sở này đã lấy 63 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 30 mẫu thịt lợn và 30 mẫu thịt gà để phân tích các chỉ tiêu vi sinh và hóa chất.
Kết quả cho thấy có 14/63 mẫu rau quả, chiếm tỷ lệ hơn 22% có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép của Việt Nam; hơn 3% thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine (kháng sinh kích thích tăng trọng) vượt mức giới hạn cho phép và 10% mẫu thịt lợn chứa chất cấm, gà nhiễm Salmonella.
Để giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, từ tháng 10/2015 cho đến hết tháng 2/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra là kiên quyết chặn dứt điểm tình trạng buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tạo sự chuyển biến về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu, lưu thông, sử dụng salbutamol, kháng sinh, thông tin về sản phẩm an toàn, cách ứng xử phù hợp đối với sản phẩm cảnh báo không an toàn; giám sát sản phẩm trên thị trường.
Ảnh minh họa |
Cách phân biệt rau đại trà, rau an toàn và rau sạch :
- Rau đại trà: là các loại rau đang sử dụng truyền thống, được tổ chức sản xuất theo các tập quán khác nhau từng địa phương, không có quy trình thống nhất và chất lượng cũng rất khác nhau.
- Rau an toàn:
Rau an toàn là những sản phẩm rau tươi được sản xuất, thu hoạch, sơ chế phù hợp quy trình sản xuất rau an toàn. Đồng thời, rau an toàn được sản xuất từ đất trồng, nguồn nước, môi trường, dinh dưỡng… tất cả đều phải sạch và đúng quy trình GAP (Good Agricultural Practices).
Nguồn nước tưới rau không bị ô nhiễm bởi các sinh vật và hoá chất độc hại, hàm lượng một số hoá chất không vượt quá mức cho phép… Từ đó, rau quả được coi là an toàn khi có dư lượng nitrat, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật, mức độ nhiễm vi sinh vật dưới ngưỡng quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành với từng loại rau quả.
Theo các chuyên gia, rau an toàn ngay từ khâu gieo trồng không bị bón phân đạm, hoặc bón rất ít phân đạm để tránh ô nhiễm muối nitrat, thay vào đó phải bón phân vô cơ như phân chuồng, phân bắc ủ hoai.
- Rau sạch: là rau được trồng trên đất sạch, tưới nước giếng khoan hoặc nước sông lớn không ô nhiễm (chất lượng đất, nước được cơ quan chức năng kiểm tra và công nhận). Không dùng phân tươi hay bón đạm nhiều. Hạn chế tối đa chất kích thích sinh trưởng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và sau một thời gian quy định mới được thu hoạch.
K.T
Ý kiến bạn đọc