Dấu hiệu ở bàn chân cảnh báo bệnh nguy hiểm

15:29, 20/10/2015
|

Dấu hiệu ở bàn chân như sưng, tê... cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm mà bạn không hay biết. Vì vậy hãy quan sát đôi chân thường xuyên nhé.

Bàn chân còn được biết đến là "bộ não thứ hai" của con người. Do đó, bảo vệ đôi bàn chân cũng chính là bảo vệ sức khỏe tổng thể của bạn. Dưới đây là 7 dấu hiệu ở bàn chân cảnh báo bệnh tật bạn cần chú ý:

Ngón chân cái sưng to

Ngón chân cái sưng to và đau có thể là dấu hiệu của bệnh gout. Đây là căn bệnh khá phổ biến với những người thừa cân, thường xuyên ăn nhiều protein, ít uống nước hoặc do di truyền. Đối với hầu hết mọi người, các dấu hiệu đầu tiên là ngón chân cái đau, đỏ và sưng lên.

Lời khuyên: Nếu bạn bị đau ở ngón chân cái, hoặc các khớp khác, chẳng hạn như đầu gối, khuỷu tay hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Bệnh gout có thể chữa khỏi nhờ chế độ ăn ít protein, uống nhiều nước và giảm cân.

Dấu hiệu ở bàn chân: ngón cái sưng to cảnh báo bệnh Gout
Dấu hiệu ở bàn chân: ngón cái sưng to cảnh báo bệnh Gout

Bàn chân lạnh

Bàn chân thường xuyên lạnh là dấu hiệu của rối loạn chức năng tuyến giáp. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do cơ thể thiếu máu. Suy giáp là tình trạng một tuyến giáp hoạt động kém. Bộ phận này có vai trò điều tiết nhiệt độ cơ thể và sự trao đổi chất. Vì vậy sự suy giảm tuyến giáp khiến máu ít lưu thông đến các ngón chân và ngón tay, làm cho chúng xuất hiện màu trắng. Sau đó, khi máu lưu thông trở lại, bàn chân có thể bị đỏ, sưng và ngứa.

Lời khuyên: Những dấu hiệu thường gặp của suy giáp là mệt mỏi, tăng cân, đau nhức cơ bắp và trầm cảm. Nếu bạn có những biểu hiện này, hãy đi khám bác sĩ để xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Bạn cũng có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm, mát-xa chân và giữ ấm vào mùa đông.

Viêm loét và tê ở bàn chân

Tê hoặc mất cảm giác xung quanh bàn chân và viêm loét lâu lành là các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2. Việc cảm giác tê dai dẳng và hay ngứa ran ở ngón chân có thể là một dấu hiệu thần kinh ngoại biên tổn thương liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm loét, phải sử dụng kháng sinh dài hạn, và trong trường hợp nặng, có thể phải cắt chân.

Lời khuyên: Triệu chứng bệnh tiểu đường bao gồm liên tục cảm thấy khát, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi và giảm cân. Nhanh chóng đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này. Ngoài ra, bạn có thể tự điều trị bệnh nhờ bỏ thuốc lá, tập thể dục và ăn uống lành mạnh.

Hình dạng móng chân thay đổi

Các vấn đề tim mạch, phổi hoặc tiêu hóa có thể được phát hiện qua các biểu hiện ở móng chân và tay của bạn. Điều này có thể là do sự giảm nồng độ oxy trong máu.

Lời khuyên: Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những thay đổi trong màu sắc hoặc hình dạng của móng tay và chân để phát hiện, chữa trị kịp thời.

Các ngón chân không có lông

Không ai muốn chân mình mọc nhiều lông nhưng nếu không có lông ở các ngón chân thì bạn lại đang có vấn đề về sức khỏe. Các chuyên gia cho rằng nếu các ngón chân không có lông là biểu hiện của bệnh mạch máu ngoại biên.

Lời khuyên: Nhanh chóng tìm đến bác sĩ nếu có triệu chứng trên.

Móng chân dày, rỗ

Vết rỗ là một dấu hiệu của bệnh vảy nến, một bệnh về da mãn tính gây ra bởi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Theo nghiên cứu, bệnh vảy nến ảnh hưởng đến 1-2% dân số và nguyên nhân có thể do stress, thuốc hoặc di truyền. 1/2 những người mắc bệnh vảy nến thì đều bắt nguồn từ các vấn đề về móng.

Lời khuyên: Điều trị bằng các loại kem steroid, liệu pháp ánh sáng và thuốc. Nếu nặng hơn, hãy đến gặp bác sĩ.

Đau khớp ngón chân

Khi các khớp ngón chân của bạn thường xuyên đau nhức kèm theo sưng và cứng khớp, có thể bạn đang mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Khi gặp phải các biểu hiện trên, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra và có phương án điều trị thích hợp. Tỷ lệ phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 4 lần so với nam giới.

Lời khuyên: Đến gặp bác sĩ ngay lập tức, chẩn đoán sớm là chìa khóa để ngăn chặn thiệt hại cho các khớp xương và sụn.

(Theo Giadinhvietnam.com)


Ý kiến bạn đọc