Ai có thể hiến mô, tạng?

14:21, 29/10/2015
|

(VnMedia) - Người khi còn sống có thể hiến 01 lá gan hoặc một phần của lá gan; 01 quả thận, da, xương. Một người chết/chết não có thể hiến được 01 quả Tim, 02 lá Gan, 02 quả Thận, 01 Tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn…

ThS. Nguyễn Hoàng Phúc- phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận.

Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh.

Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

Người khi còn sống có thể hiến: 01 lá gan hoặc một phần của lá gan; 01 quả thận, da, xương.

Một người chết/chết não có thể hiến được các mô, tạng sau: 01 quả Tim, 02 lá Gan, 02 quả Thận, 01 Tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn…

Một người hiến tặng mô, tạng cho những người bị bệnh thì đó không chỉ là một món quà vô giá mà còn là cơ hội mang lại sự sống cuối cùng cho những người đang bị suy tạng giai đoạn cuối cần phải thay thế tạng, vì vậy món quà đó phải được trao một cách công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo vì ai cũng có quyền được sống, quyền được chữa bệnh, pháp luật quy định và thiết lập sự bình đẳng đó.

Mặc dù vậy, số người hiến tạng vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số lượng người cần được ghép tạng.

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.
Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác

Ai có thể hiến tạng?

Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. (Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác).

Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tặng, tuy nhiên khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình trong trường hợp hiến khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não, làm cho không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.

Người khỏe có thể hiến tạng: Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của nước ta đã quy định bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Chính vì vậy mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể hiến tạng. Trên thực tế, trường hợp hiến tạng sống chủ yếu diễn ra khi người thân trong gia đình cần được ghép tạng.

Người bị chết não hay qua đời có thể hiến mô, tạng: Có một số bộ phận có thể hiến tặng khi còn sống mà người hiến tặng vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống thường ngày sau khi hiến đó là thận và gan. Thận của chúng ta vẫn có thể hoạt động được đầy đủ chức năng với chỉ 1 bên thận. Trong khi đó gan có thể tái tạo sau khi cắt đi 1 phần, tuy nhiên không thể đạt được thể tích giống như khi chưa cắt. Thường gan tái sinh khoảng 60% so với thể tích ban đầu. Chính nhờ sự kỳ diệu đó mà dường như việc hiến tạng sống đang dần được nhiều người tình nguyện. Bên cạnh đó, những người khỏe mạnh nếu không hiến tạng sống thì có thể đăng ký hiến tạng sau khi chết não hay qua đời.

Người bị bệnh hiểm nghèo cũng có thể hiến tạng khi qua đời: Những người bệnh như ung thư hay đã từng điều trị bệnh ung thư cũng có thể đăng ký hiến tạng hoặc mô sau khi qua đời. Chúng ta không nên nghĩ rằng việc bị bệnh thì không thể hiến tạng nhân đạo. Giác mạc thường là bộ phận được hiến từ những đối tượng có bệnh hiểm nghèo sau quá trình điều trị kéo dài nhưng không thể cứu được sự sống.

Người bị tai nạn chết não, chết tim có thể hiến tạng: Hàng ngày, các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn cấp cứu trong tình trạng chết não, chết tim. Nhưng số trường hợp gia đình đồng ý cho người thân vừa qua đời để hiến tạng thật sự rất ít. Nếu người mất đã đăng ký hiến tạng tự nguyện sau khi chết và cả gia đình cũng biết điều đó thì sẽ dễ dàng hơn cho bệnh viện trong việc đề xuất với gia đình để hiến tạng người mất nhằm mục đích nhân văn cao cả là cứu người.

Những cơ sở nào được phép lấy và ghép mô, tạng?

- Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì Người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não).

- Người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết): BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 - Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang

- Người hiến muốn đăng ký hiến mô, thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-BV Mắt TW; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar

-Người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH y để đăng ký hiến xác: ĐH Y Hà Nội; ĐH Y Thái Nguyên; ĐH Y Thái Bình; ĐH Y Hải Phòng; Học viện Quân Y (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Huế (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Tây Nguyên; ĐH Y Cần Thơ (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y dược TP HCM (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Bộ môn giải phẫu)

Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, Người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).

Địa chỉ tư vấn và đăng ký hiến tặng mô, tạng:

- Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Tel: 04.39386692-04 39386693/091.50.60.550
Email: gheptang@vncchot.com

- Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người-Bệnh viện Chợ Rẫy

Tel: 08.39560139/0838554137-184; 0913677016
Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com

- Ngân hàng Mắt-Bệnh viện Mắt Trung ương: 85 Bà Triệu, Hà Nội

Tel: 04.39454799; Email: info@vnio-eyebank.org.vn

Phạm Minh


Ý kiến bạn đọc