(VnMedia) - Hải quân Mỹ vừa triển khai một trong những tàu sân bay tối tân nhất đến Nhật Bản để củng cố mối quan hệ hợp tác sâu đậm, bền chặt giữa Washington và Tokyo. Động thái này được xem như một thông điệp sắc lạnh mà Mỹ muốn nhắn gửi đến Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan |
Tàu sân bay USS Ronald Reagan mang theo lực lượng thuỷ thủ đoàn lên tới 5.000 người và khoảng 80 máy bay đã đến neo đậu tại căn cứ hải quân Yokosuka trong ngày hôm qua (1/10).
Hoạt động triển khai trên cùng với mối quan hệ đối tác giữa Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản sẽ giúp bảo đảm sự ổn định ở khu vực Thái Bình Dương, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã phát biểu như vậy.
"Cùng với nhau, chúng tôi sẽ đem lại yếu tố quan trọng nhất của an ninh quốc tế - yếu tố mà chỉ có các lực lượng hàng hải mới có thể đem lại... sự hiện diện khắp toàn cầu và trong thời gian 24/24 để đảm bảo sự ổn định, ngăn chặn các đối thủ và đem lại những lựa chọn cho các nhà lãnh đạo trong tình huống xảy ra khủng hoảng”, ông Mabus cho hay.
Sự kiện Mỹ đưa một trong những tàu sân bay mạnh nhất đến Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang hướng tới kế hoạch đưa 60% lực lượng của mình đến Châu Á trong khuôn khổ chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào khu vực.
Sự hiện diện của tàu sân bay USS Ronald Reagan diễn ra đúng vào thời điểm quân đội Nhật Bản vừa được “cởi trói” sau 70 năm theo đuổi hiến pháp hoà bình. Cụ thể, hồi tháng trước, các nghị sĩ Nhật Bản đã nhất trí thông qua dự luật cho phép Nhật Bản lần đầu tiên kể từ sau thế chiến II có thể đưa quân đội ra nước ngoài để chiến đấu bảo vệ đồng minh.
Thủ tướng Shinzo Abe giải thích, Nhật Bản cần dự luật trên để tăng cường năng lực trong bối cảnh nước này phải đối diện với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết liệt và một Triều Tiên ngày càng khó lường.
USS Ronald Reagan là siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz đang phục vụ trong Hải quân Mỹ. Con tàu này có trọng lượng 101.400 tấn, chiều dài 332,8m. Tàu sân bay USS Ronald Reagan được trang bị vũ khí gồm 2 hệ thống tên lửa Mk 29 Sea Sparrow, 2 hệ thống tên lửa dẫn đường RIM-116 Rolling. Tàu sân bay được thiết kế cho khoảng 90 máy bay tiêm kích, cường kích và máy bay trực thăng.
Tàu Reagan cũng được trang bị những hệ thống phòng thủ, radar, hệ thống tích hợp vũ khí, hệ thống chỉ huy và công nghệ thông tin tối tân nhất. USS Ronald Reagan là bản nâng cấp hiện đại hơn rất nhiều so với phiên bản mà nó thay thế - USS George Washington.
"Giống những một chiếc xe mới, chúng tôi có những thứ tối tân nhất, mới nhất và tuyệt nhất. Chúng tôi có hệ thống GPS, chúng tôi có hệ thống gương chiếu hậu có thể quan sát mọi thứ ở đằng sau", Đại uý Chris Bolt – Chỉ huy tàu sân bay USS Ronald Reagan cho biết trong cuộc họp báo tại căn cứ hải quân Yokosuka.
Tàu USS Ronald Reagan (CVN-76) là thế hệ tàu sân bay hạt nhân đầu tiên có khả năng chiến đấu hiệu quả nhất của Hải quân Mỹ.
Mỹ, Nhật răn đe Trung Quốc
Những động thái của Mỹ và Nhật Bản trong thời gian vừa qua được cho là đều nhằm phát đi thông điệp răn đe, cảnh báo đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang gây lo ngại cho các nước láng giềng xung quanh vì chính sách, lập trường hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực Châu Á.
Trung Quốc đang có mối quan hệ căng thẳng với cả Nhật Bản và Philippines.
Với Nhật Bản, Trung Quốc đang ra sức đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông – một quần đảo đang nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Tokyo.
Ngoài ra, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có những tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trước sự nổi lên ngày một đáng lo ngại của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã tăng cường liên minh quân sự giữa họ nhằm đối phó với cường quốc Châu Á. Một mặt, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực. Mặt khác, Mỹ củng cố mối quan hệ liên minh, đồng minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực.
Washington đang theo đuổi kế hoạch điều chuyển phần lớn vũ khí của họ đến Châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với đó, Nhật Bản và Philippines cũng tăng cường sức mạnh quân sự của mình và hướng tới việc liên kết với nhau và với siêu cường Mỹ.
Tất cả những diễn biến trên đều chỉ nhằm đối phó, kiềm chế Trung Quốc. Sự kiện Mỹ đưa tàu sân bay vào án ngữ ngay gần Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh một lần nữa phải toát mồ hôi vì lo ngại.
Bắc Kinh hôm qua (1/10) đã lên tiếng kêu gọi Mỹ giảm quy mô các hoạt động gây ra nguy cơ hiểu lầm ở Biển Đông. Trung Quốc đòi Mỹ phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của họ.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc