Sốc với chiến thuật “giả vờ chết” của Thaksin

11:26, 21/09/2015
|

(VnMedia) - Cựu lãnh đạo đầy ảnh hưởng của đất nước Thái Lan - ông Thaksin Shinawatra được cho là đã khuyên lực lượng ủng hộ của mình thực hiện chiến thuật tạm thời “giả vờ chết”. Nếu thông tin này được là chính xác thì rõ ràng đây là một chiến thuật gây sốc, bởi hiện tại một số người nghĩ rằng, ông Thaksin đã từ bỏ chính trường sau sự sụp đổ của em gái ông - bà Yingluck.
 

Ảnh minh họa

Cựu Thủ tướng Thaksin


Ông Thaksin hiện là nhà lãnh đạo của phong trào đối lập áo đỏ đang sống lưu vong ở nước ngoài. Ông này được cho là đã phát đi một thông điệp đơn giản cho những người ủng hộ mình rằng: hãy nằm yên vào lúc này, đừng hoảng sợ và “hãy giả vờ chết”. Lực lượng áo đỏ được cho là đang "tức giận trước chế độ cầm quyền kỷ luật sắt" của giới lãnh đạo quân sự Thái Lan.
 
Cựu tỉ phú truyền thông Thaksin Shinawatra đồng thời là lãnh đạo chính trị lâu năm của những người áo đỏ luôn theo dõi mọi diễn biến trên chính trường ở quê hương đồng thời kêu gọi những người muốn ông quay trở lại cầm quyền hãy kiên nhẫn.
 
"Khi tôi nói chuyện với ông Thaksin, ông đã nói với tôi rằng hãy giả vờ chết thêm một thời gian nữa”, thủ lĩnh áo đỏ Kwanchai Praipana – một chính khách thân Thaksin nổi tiếng ở tỉnh đông bắc Udon Thani, cho biết.
 
"Ông ấy đã nói với tôi rằng, hãy... chờ đợi cho đến cuộc bầu cử tới. Đó sẽ là thời điểm chúng tôi giành chiến thắng. Vấn đề duy nhất là liệu cuộc bầu cử đó có diễn ra hay không", ông Kwanchai nói thêm.
 
Cũng theo lời ông Kwanchai, ông đã nói chuyện với cựu Thủ tướng Thaksin cách đây một tháng nhưng không tiết lộ cụ thể về việc hai ông này liên lạc với nhau như thế nào.
 
Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 khi ông này đang ở nước ngoài. Tiếp đó, vào năm 2008, ông lại bị toà án kết án 2 năm tù giam vì tội tham nhũng. Để trốn tránh án tù, cựu Thủ tướng Thái Lan đã phải sống lưu vong ở bên ngoài suốt trong thời gian qua.
 
Dù đã rời ra đất nước trong 9 năm qua, nhưng ông Thaksin vẫn là nhân vật có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Thái Lan. Ông này chính là nhân vật trung tâm, là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp ở Thái Lan trong những năm qua.
 
Với những chính sách “dân tuý” làm lợi cho dân nghèo và những người dân ở vùng nông thôn, cựu Thủ tướng Thaksin rất được lòng bộ phận những người dân chiếm đa số này. Ngược lại, ông lại bị ghét cay ghét đắng bởi những thành phần hoàng gia, trung lưu ở đất nước Thái Lan. Lực lượng chống ông Thaksin tuy là một bộ phận nhỏ nhưng lại là những người nắm giữ quyền lực và sức mạnh.
 
Sau khi ông Thaksin bị lật đổ, chính trường Thái Lan chứng kiến liên tiếp những cuộc đấu đá giằng co giữa một bên là lực lượng ủng hộ ông Thaksin (áo đỏ) và bên kia là lực lượng chống ông này (áo vàng). Có những thời kỳ, biểu tình đường phố trở thành “chuyện như cơm bữa” ở đất nước Thái Lan. Nếu đảng thân ông Thaksin lên nắm quyền thì lực lượng áo vàng sẽ đổ ra đường biểu tình. Ngược lại, nếu đảng cầm quyền thuộc thành phần áo vàng thì đến lượt người áo đỏ đổ ra đường biểu tình chống chính phủ.
 
Những cuộc đối đầu giữa người áo đỏ và áo vàng từng khiến chính trường Thái Lan liên tục chao đảo, rối loạn với các cuộc thay đổi chính quyền liên tiếp diễn ra. Mọi việc luôn diễn ra theo mô típ: đảng thân ông Thaksin sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên cầm quyền, sau đó, đảng đối lập sẽ biểu tình phản đối, lôi kéo sự can thiệp của toà án, quân đội để lật đổ chính quyền và đưa lực lượng chống ông Thaksin lên cầm quyền. Kịch bản này diễn ra với một loạt chính quyền thân Thaksin, gần đây nhất là chính quyền của em ruột ông Thaksin - bà Yingluck.
 
Hiện tại chính quyền quân sự đang nắm chắc quyền lãnh đạo đất nước Thái Lan từ sau sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng Yingluck.
 
Viễn cảnh bất ổn vẫn ở phía trước
 
Thông tin về việc cựu Thủ tướng Thaksin khuyên người ủng hộ kiên nhẫn, chờ đợi, giấu mình và “giả vờ chết” cho thấy ông này dường như sẽ không từ bỏ cuộc chiến với đối thủ của mình trên chính trường Thái Lan.
 
Một cuộc bầu cử mới hiện tại chưa diễn ra, nhưng chính quyền quân sự Thái Lan vẫn cam kết tiến hành một cuộc bầu cử như vậy. Nếu một cuộc bầu cử diễn ra thì kịch bản trước đây sẽ tiếp tục tái diễn và tình hình Thái Lan sẽ bất ổn, hỗn loạn trở lại.
 
Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan - ông Prayuth cho biết, ông hiện chưa muốn tiến hành một cuộc bầu cử vì cần có thời gian để hoà giải một xã hội chia rẽ sâu sắc và nguy hiểm đang tồn tại hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á.
 
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sự chia rẽ vẫn rất sâu sắc và gia đình Shinawatras vẫn nắm giữ ảnh hưởng cực lớn ở khu vực phía bắc Thái Lan.
 
Ông Prayuth mới đây đã đưa ra một bản hiến pháp phác thảo mà theo giới chỉ trích nhận định đây là nỗ lực để ông này ngăn cản sự trở lại chính trường của gia đình Shinawatras. Bản hiến pháp dự thảo nói trên đã bị hội đồng cải cách do quân đội lập ra bác bỏ thay vì đưa ra trưng cầu dân ý.
 
"Đầu tiên, chúng tôi nghĩ bản phác thảo sẽ được thông qua và đó là thời điểm chúng tôi tiến hành biểu tình”, ông Sabina Shah - một thủ lĩnh áo đỏ, cho biết.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc