(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, những kẻ đứng đằng sau các cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Kiev sau cuộc bỏ phiếu về chế độ tự trị ở Quốc hội ngày hôm qua (31/8), xứng đáng bị trừng trị thích đáng. Nhà lãnh đạo Ukraine miêu tả vụ bạo lực nói trên là “một cú đâm sau lưng”.
Tổng thống Poroshenko |
"Đó là một hành động chống lại Ukraine và tất cả những kẻ gây ra hành động đó, không có ngoại lệ - tất cả đại diện của các đảng phái chính trị - đều sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc", ông Poroshenko đã tuyên bố như vậy trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp.
Một thành viên 24 tuổi của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine đã thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ ác liệt và dữ dội giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trong ngày hôm qua ở ngay bên ngoài toà nhà Quốc hội, giữa thủ đô Kiev.
Những cuộc đụng độ đã bùng lên ngay sau khi các nghị sĩ Ukraine thông qua sự ủng hộ ban đầu cho dự luật gây tranh cãi sâu sắc, liên quan đến việc cấp quy chế tự trị cho các khu vực ở miền đông Ukraine. Giới chức chính quyền thành phố Kiev cho hay, có hai phóng viên đã bị thương trong làn sóng bạo lực ngày hôm qua.
Các cuộc đụng độ này là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra ở thủ đô Kiev, kể từ sau khi xảy ra cuộc lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Yanukovych hồi đầu năm ngoái. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã đổ lỗi cho lực lượng theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan về làn sóng bạo lực mới.
"Vào thời điểm khi mà Nga và tay chân của họ đang tìm cách phá huỷ đất nước nhưng chưa thể làm thế trên mặt trận, thì cái gọi là các lực lượng chính trị ủng hộ Ukraine lại đang tìm cách mở ra một mặt trận thứ hai ở ngay bên trọng nội bộ đất nước”, ông Yatsenyuk đã nói gay gắt như vậy trong một bài phát biểu được phát trên truyền hình.
Cả Liên minh Châu Âu, Nga, Mỹ, Pháp và Đức đều đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước diễn biến đáng lo ngại ở thủ đô Kiev
Vị quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) - bà Federica Mogherini đã thể hiện sự lo lắng trước tình hình leo thang bạo lực ở thủ đô Kiev. “Những sự kiện diễn ra ngày hôm nay thật đáng lo ngại”, bà Mogherini cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.
"Chúng tôi xin chia buồn với gia đình của sĩ quan an ninh thiệt mạng và gửi lời cảm thông sâu sắc nhất đến những người bị thương trong vụ nổ diễn ra trong cuộc biểu tình ở trước toà nhà Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada)".
Đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực vừa bùng phát ở thủ đô Kiev và kêu gọi “nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra đối với vụ việc này”.
Ở thủ đô Washington, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã nói rằng, "trong một xã hội dân chủ, người ta cần phải giải quyết các vấn đề một cách hoà bình và theo luật pháp”.
Ngoại trưởng Nga, Ukraine, Đức và Pháp gặp nhau bàn về khủng hoảng
Tình hình Ukraine đang nguy cấp trở lại khi ở miền đông vừa chứng kiến tình trạng leo thang bạo lực cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây và tiếp đến là Kiev vừa trải qua cuộc bạo loạn đẫm máu nhất kể từ hồi đầu năm ngoái đến giờ.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang có chiều hướng xấu đi, Ngoại trưởng các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp sự kiến sẽ có cuộc gặp vào giữa tháng 9 để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, cố vấn điện Kremlin - ông Yuri Ushakov hôm qua đã tiết lộ với các phóng viên như vậy.
Hồi cuối tuần vừa rồi, Moscow, Berlin và Paris đã nhất trí ủng hộ nỗ lực tìm kiếm một lệnh ngừng bắn mới ở miền đông Ukraine sau khi cuộc chiến kéo dài hơn 16 tháng qua ở khu vực đã cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người.
"Lãnh đạo 3 nước Pháp, Đức và Nga đã thảo luận về việc tổ chức một cuộc họp mới trong khuôn khổ Bộ Tứ Normandy. Hiện tại, 3 nước đã nhất trí vào một thời điểm nào đó trong giữa tháng 9, ngoại trưởng của họ sẽ gặp nhau tại một cuộc họp mới”, ông Ushakov cho hay.
"Chúng tôi mong chờ lãnh đạo của 4 nước thuộc Bộ Tứ Normandy sẽ có cuộc điện đàm và chúng ta sẽ biết họ thoả thuận gặp nhau ở đâu và khi nào", ông Ushakov nói thêm.
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã lắng dịu đi rất nhiều sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được ký kết hôm 12/2 và được thực thi từ hôm 15/2. Giao tranh giảm đi rõ rệt, tình trạng thương vong hầu như không có. Những tín hiệu vui này đem đến hy vọng và sự lạc quan về khả năng tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tuy nhiên, khi hy vọng vừa được nhen nhóm lên thì tình hình giao tranh, đụng độ giữa các phe phái đối địch ở miền đông Ukraine bất ngờ bùng phát trở lại trong vài tuần trở lại đây và đang leo thang nhanh chóng. Người ta đang lo ngại, mọi công sức của các nước tham gia vào việc thúc đẩy tiến trình hoà bình ở Ukraine có thể sẽ bị đổ xuống sông xuống biển nếu diễn biến tình hình ở miền đông tiếp tục theo chiều hướng xấu như hiện nay.
Nghiêm trọng hơn nữa, cùng với tình hình bùng phát bạo lực ở miền đông Ukraine, thủ đô Kiev vừa lại phải chứng kiến làn sóng biểu tình đẫm máu khiến người ta nhớ đến thảm kịch hơn một năm về trước. Có thể nói, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang mỗi lúc một trầm trọng thay vì đạt được những tiến triển như cộng đồng quốc tế từng kỳ vọng sau thoả thuận ngừng bắn hồi tháng Hai.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc