Báo Nga đưa tin sốc: Mỹ đã từ bỏ Biển Đông

14:36, 22/09/2015
|

(VnMedia) - Tờ Sputnik của Nga hôm nay (22/9) đã đăng tải một bài viết trong đó đưa ra thông tin gây choáng váng về Mỹ ở Biển Đông - vùng biển mà Mỹ được cho là đặc biệt quan tâm. Theo đó, Washington được cho là đã từ bỏ Biển Đông từ năm 2012 và những cảnh báo rầm rộ của giới chức Mỹ nhằm vào Trung Quốc gần đây chỉ là lời nói suông.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Khi Bắc Kinh tiếp tục lấn tới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, giới chức Mỹ đã nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tờ báo của Nga, kể từ năm 2012, Washington đã tránh những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Thực tế này cho thấy, những lời đe doạ, cảnh báo của giới chức Mỹ chỉ là lời nói suông.
 
"Mỹ sẽ đưa máy bay và tàu thuyền vào hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã tuyên bố đầy cứng rắn như vậy hồi đầu tháng.
 
Phát biểu của ông Carter được đưa ra nhằm đáp trả việc Bắc Kinh lại tiếp tục xây thêm một đường băng mới trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Carter được rất nhiều quan chức quân sự Mỹ đồng tình. Để thể hiện lập trường chắc chắn và rõ ràng về việc Washington không công nhận những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, cả Đô đốc Harry Harris – Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, và ông David Shear – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách an ninh Châu Á và Thái Bình Dương đều đề xuất đưa tàu thuyền của Hải quân Mỹ vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo để thách thức Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, sự phản đối của Mỹ đối với những dự án cải tạo, bồi đắp trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông không có gì mới. Và như lời Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chỉ ra hồi tuần trước, Washington không hành động gì ở Biển Đông và thậm chí còn tìm cách tránh vấn đề này từ năm 2012.
 
Một số quan chức Mỹ giờ đây đang thúc giục chính quyền của Tổng thống Obama đưa tàu chiến vào hoạt động trong phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông để thể hiện rõ thái độ và quyết tâm của Washington trong việc ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh.
 
Trong bức thư gửi chính quyền Tổng thống Obama, Thượng nghị sĩ McCain từng phân tích, nếu Mỹ không thực sự thực thi quyền được hoạt động trong phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông thì điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận trên thực tế “hành vi gây bất ổn” của Bắc Kinh. Ông McCain nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng, một phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Mỹ, trong đó có động thái mang tính biểu tượng cao là việc đưa tàu chiến, máy bay vào khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi pháp và phi lý là điều cần thiết”.
 
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông.
 
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.
 
Đáng ngại hơn, những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông có thể sẽ được sử dụng cho các mục đích quân sự nhằm tranh giành chủ quyền với các nước trong khu vực.
 
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tuần trước, Đô đốc Harris nhấn mạnh sự tin tưởng của ông này vào khả năng của quân đội Mỹ trong việc đánh bại Trung Quốc nếu một cuộc xung đột xảy ra ở Biển Đông.
 
"Trung Quốc đang có một quân đội rất hiện đại với năng lực và khả năng ngày càng tăng. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế về công nghệ trong hầu hết mọi khía cạnh nếu không nói là trong tất cả mọi khía cạnh. Tôi tin tưởng vào năng lực của chúng ta trong việc đánh bại được Trung Quốc nếu xung đột xảy ra", ông Harris nói thêm.
 
Không rõ nhận định của báo Nga về việc Mỹ từ bỏ Biển Đông có đúng hay không nhưng trong thời gian qua, giới chức Mỹ ngày càng tỏ ra sốt ruột hơn trước những diễn biến hành động của Trung Quốc ở khu vực và đang nóng lòng muốn hành động. Về việc Mỹ có thực sự hành động hay không thì câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.
 
Australia kêu gọi Trung Quốc làm dịu căng thẳng ở Biển Đông
 
Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình Biển Đông, tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm qua (21/9) đã lên tiếng khuyên Trung Quốc hãy làm dịu căng thẳng trong vấn đề xây dựng đảo ở Biển Đông nếu muốn giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
 
"Rõ ràng đang có căng thẳng liên quan đến vấn đề xây dựng đảo ở Biển Đông. Thành thật mà nói, vì lợi ích của chính mình, Trung Quốc tốt hơn hết là không nên đẩy mọi thứ đi quá giới hạn”, tân Thủ tướng  Turnbull hôm qua đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn đúng một tuần sau khi ông này vừa giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ Đảng Tự do để lên cầm quyền ở đất nước Australia.
 
"Điều chúng tôi cần là đảm bảo sự nổi lên của Trung Quốc... diễn ra theo một cách không gây xáo trộn đối với an ninh và sự hài hoà tương đối trong khu vực. Sự thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào yếu tố này”, ông Turnbull cho hay.
 
"Đẩy mọi thứ đi quá giới hạn ở Biển Đông sẽ có hậu quả ngược lại với những gì Trung Quốc đang muốn tìm kiếm và muốn đạt được”, ông Turnbull cảnh báo thêm.
 
Tân Thủ tướng Turnbull nhấn mạnh, Australia có “mối quan hệ rất tốt” với Trung Quốc nhưng miêu tả chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở Biển Đông là “phản tác dụng”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc