(VnMedia) - Nga và Ukraine lại lao vào một “cuộc chiến ăn miếng trả miếng mới” sau khi chính quyền Kiev bất ngờ tung đòn thách thức Moscow.
Đòn trả đũa của Nga khiến EU liêu xiêu |
Chính phủ Ukraine vừa đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 1.124 cá nhân và 156 công ty của Nga, văn phòng báo chí của nội các Ukraine hôm 12/8 cho biết.
"Các biện pháp trừng sẽ được áp dụng theo hai gói, một là dùng cho 1.124 cá nhân người Nga và gói thứ hai là để áp đặt lên 156 công ty”, thông báo từ văn phòng báo chí nội các Ukraine cho hay.
Danh sách các cá nhân và công ty Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt của chính quyền Kiev đã được trình lên cho Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết, một danh sách mở rộng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga cũng đã có hiệu lực từ hôm thứ Ba (11/8). "Nội các Ukraine hôm nay đã phê chuẩn gói biện pháp trừng phạt mở rộng thứ hai và đã chuyển lên cho Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine xem xét", ông Yatsenyuk cho hay.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chính phủ Ukraine đã ra một nghị quyết về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước láng giềng Nga. Những đòn trừng phạt đó gồm lệnh cấm một số cá nhân Nga vào lãnh thổ Ukraine, cấm họ tham gia vào quá trình tư nhân hóa ở Ukraine cũng như cấm xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự sang Nga.
Rất nhanh chóng sau khi Kiev tung ra đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga, Moscow cũng bất ngờ tung chiêu. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua (13/8) thông báo, sẽ có thêm 5 nước được đưa vào lệnh cấm vận thực phẩm và nông sản của Nga. Cụ thể, 5 nước này sẽ bị cấm xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang Nga.
“Một loạt nước đã được đưa thêm vào danh sách trừng phạt ngoài những nước thuộc Liên minh Châu Âu, Australia, Canada, Na-uy và Mỹ. Đây là những nước đang phải chịu lệnh cấm xuất khẩu một số loại thực phẩm, nông sản vào Nga. Những nước mới được đưa vào lệnh cấm vận của Nga gồm Albania, Montenegro, Iceland, Liechtenstein, và Ukraine trong một số trường hợp cụ thể”, Thủ tướng Medvedev cho biết trong một cuộc họp chính phủ.
Thủ tướng Nga giải thích, lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm và nông sản vào Nga sẽ có hiệu lực nếu chính quyền Kiev tham gia một phần vào Thỏa thuận Hợp tác EU được ký kết hồi tháng 6 năm ngoái.
Trong lần ra tay đợt này, Nga không đưa Gruzia vào danh sách trừng phạt mở rộng dù quan hệ hai nước vẫn diễn ra căng thẳng. Theo giải thích của một phát ngôn viên chính phủ Nga, Moscow sở dĩ không tung đòn thêm với Gruzia bởi những biện pháp mà chính phủ Gruzia dùng nhằm chống lại Nga không đáng kể.
"Hiện tại, quan hệ giữa Nga và Gruzia không mạnh cũng không có được kim ngạch thương mại song phương cao. Không gioongs như các nước khác, các biện pháp mà giới lãnh đạo Gruzia tung ra nhằm chống lại Nga không đáng kể. Xét yếu tố này, chúng tôi quyết định không cần phải đưa Gruzia vào danh sách những nước mà các công ty của họ bị cấm cung cấp một số loại thực phẩm, nông sản sang Nga”, phát ngôn viên của Nga cho hay.
Đối với 5 nước vừa bị đưa thêm vào danh sách trừng phạt mở rộng, Thủ tướng Medvedev cho hay, những nước này trở thành mục tiêu của Nga vì cố tình quyết định đứng về phía Liên minh Châu Âu (EU) trong việc kéo dài thời hạn trừng phạt Nga. "Các nước đó giải thích, quyết định của họ trong việc ủng hộ EU gia hạn thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga được đưa ra vì họ có một số thoả thuận với EU”, Thủ tướng Medvedev cho biết thêm.
Hầu hết các nước EU phản đối trừng phạt Nga?
Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây tiếp tục tiếp diễn bất chấp tiếng nói phản đối đang lan rộng.
Một thành viên của Quốc hội Châu Âu – ông Jean-Luc Schaffhauser mới đây cho biết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà EU đang tung ra là đi ngược lại với ý chí của hầu hết các nước thành viên trong liên minh.
Mới đây, vào cuối tháng 6, EU đã quyết định kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga thêm 6 tháng nữa vì cáo buộc Nga tiếp tục can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Đáp lại, Moscow đưa ra đòn trả đũa “gấp đôi” khi tuyên bố kéo dài thời hạn áp dụng lệnh cấm vận thực phẩm, lương thực đối với các nước trừng phạt Nga thêm thời hạn 1 năm.
"Những biện pháp trừng phạt như vậy được áp đặt đi ngược lại ý chí, mong muốn của hầu hết quốc gia thành viên EU. Nó được đưa ra chỉ nhằm một mục đích: để ngăn chặn bất kỳ liên minh nào với Nga và để đem lại lợi thế cho Mỹ”, ông Schaffhauser cho biết.
Vị nghị sĩ Châu Âu nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga “không may” là chỉ có thể tồn tại với sự giúp đỡ của các thể chế của Liên minh Châu Âu.
Hơn một năm rưỡi qua, Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu và các đồng minh khác đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng đồng thời cũng thẳng tay đáp trả phương Tây. Cuộc chiến trừng phạt này đang gây tổn thất nặng nề cho cả hai phía.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc