Mỹ doạ Nga, Nhật răn đe Trung Quốc

16:48, 19/08/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và Nhật Bản đang tiến hành những cuộc tập trận phô trương sức mạnh rầm rộ. Nếu như Mỹ được cho là đang muốn doạ Nga thì Nhật Bản được cho là đang tìm cách răn đe nước láng giềng Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Mỹ tập trận lớn nhất với đồng minh ở Châu Âu

 
Mỹ hôm qua (18/8) cho biết, nước này vừa phát động một cuộc tập trận không quân lớn nhất với các đồng minh ở Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở miền đông Ukraine leo thang nghiêm trọng và phương Tây đổ lỗi cho Nga cũng như lực lượng ly khai về diễn biến đáng lo ngại này.
 
Gần 5.000 binh lính đến từ 11 quốc gia thành viên NATO đang tham gia vào 4 tuần tập trận với những “chiến dịch không quân đa quốc gia diễn ra đồng loạt” ở Đức, Italai, Bulgaria và Rumani. Đợt diễn tập này được khai hoả từ hồi cuối tuần, quân đội Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
 
"Cuộc tập trận mang tên Phản ứng nhanh 15 (Swift Response 15) là đợt diễn tập không quân của lực lượng đồng minh lớn nhất diễn ra trên lục địa Châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc", tuyên bố của quân đội Mỹ ở Grafenwohr, phía nam nước Đức, cho hay.
 
Cuộc tập trận được thiết kế nhằm giúp “lực lượng phản ứng nhanh” của quân đồng minh có khả năng hành động như một khối thống nhất và “thể hiện năng lực của liên quân trong việc triển khai nhanh chóng cũng như hành động nhanh chóng nhằm hỗ trợ cho mục tiêu duy trì một Châu Âu an toàn và mạnh mẽ”, tuyên bố của quân đội Mỹ nhấn mạnh thêm.
 
Tuyên bố của quân đội Mỹ không đả động gì đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng có sự liên quan nhất định giữa cuộc tập trận rầm rộ của Mỹ và NATO với diễn biến tình hình ở quốc gia Đông Âu hiện nay.
 
Sau một thời gian lắng dịu nhờ thoả thuận ngừng bắn mới nhất được ký kết hồi tháng 2 vừa rồi, chiến sự ở miền đông Ukraine bất ngờ bùng phát trở lại ở mức độ lớn nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Kể từ khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine nổ ra hồi tháng Tư năm ngoái, đã có gần 7.000 người thiệt mạng.
 
Cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine đã khuấy lên cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cách đây hơn hai thập kỷ. Phương Tây cáo buộc Nga không chỉ vũ trang cho lực lượng ly khai mà còn đưa cả quân vào để hậu thuẫn cho lực lượng này. Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc nói trên.
 
NATO – một liên minh quân sự gồm 28 thành viên do Mỹ dẫn đầu, hồi tuần trước đã lên tiếng bảo vệ cho việc họ gần đây đẩy mạnh số lượng các cuộc tập trận nhằm đáp trả cái mà họ miêu tả là “sự hung hăng ngày càng lớn của Nga”. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương bác bỏ những cáo buộc cho rằng, những cuộc tập trận của họ đang khiến cho chiến tranh ở Châu Âu dễ bùng nổ hơn.
 
Quân đội Mỹ cho hay, điểm nhấn của đợt tập trận lần này sẽ là cuộc diễn tập vào ngày 26/8 khi hàng loạt máy bay chiến đấu của liên quân sẽ thả hơn 1.000 lính nhảy dù và vũ khí xuống khu huấn luyện Hohenfels ở Đức. Cuộc diễn tập tương tự sẽ diễn ra cùng ngày ở khu huấn luyện Novo Selo ở Bulgaria.
 
Tham gia cuộc tập trận kéo dài cho đến tận ngày 13/9 còn có hơn 4.800 binh lính đến từ Bulgaria, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ.
 
Cuộc tập trận lần này cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Đơn vị Không quân số 82 của Mỹ hoạt động ở Châu Âu kểu từ sau khi tham gia các chiến dịch của NATO ở Kosovo năm 1999.
 
Nhật Bản khai hoả cuộc tập trận bắn đạn thật
 
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) hôm qua (18/8) đã khai hoả một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 4 ngày ở gần Núi Phú Sĩ. Cuộc tập trận hàng năm này diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách mở rộng vai trò của quân đội nước này trước sự nổi lên ngày một mạnh mẽ và đáng ngại của  nước láng giềng Trung Quốc.
 
Khoảng 2.300 binh lính đã tham gia cuộc tập trận nói trên với khoảng 80 xe tăng và xe bọc thép cùng với 60 khẩu pháo dã chiến và 20 trực thăng. Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực cách phía tây thủ đô Tokyo khoảng 80km.
 
Lực lượng binh lính đã bắn đạn pháo vào khu vực phối cảnh ở ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với trực thăng bay vè vè trên đầu.
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đối mặt với sự phản đối vì dự luật an ninh cho phép mở đường cho quân đội Nhật Bản lần đầu tiên tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu kể từ sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.
 
Dự luật an ninh gây tranh cãi đã được thông qua tại Hạ viện quyền lực của Nhật Bản hồi tháng trước và nó hiện tại đang được đưa ra tranh luận tại Thượng viện.
 
Trung Quốc phản đối kịch liệt dự luật an ninh mới của Nhật Bản, nói rằng nó đồng nghĩa với việc “một kịch bản ác mộng đang ngày càng đến gần với người dân Nhật Bản cũng như với các nước láng giềng”.
 
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm 2012. Kể từ khi đó, Nhật Bản bắt đầu có nhiều động thái quân sự cho việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc