Sợ Nga, Tổng thống Ba Lan thân chinh cầu viện NATO?

15:17, 18/08/2015
|

(VnMedia) - Tân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuần tới sẽ đích thân tới Estonia để khởi động một chiến dịch nhằm thúc đẩy NATO đem quân đến triển khai trong khu vực.

Đây là thông tin vừa được một nguồn tin cấp cao trong nội bộ Ba Lan tiết lộ trong ngày hôm qua (17/8). Việc Tổng thống Ba Lan trực tiếp đi “cầu viện” NATO diễn ra trong bối cảnh nước này cùng một số nước láng giềng của Nga liên tục nói về mối đe doạ mang tên Nga và bày tỏ lo sợ về khả năng Nga “xâm lược” họ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Trong những năm qua và đặc biệt là kể từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, Ba Lan và các nước Baltic liên tiếp kêu gọi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa quân vào triển khai lâu dài và cố định trên lãnh thổ của họ - khu vực sườn phía đông của NATO.
 
Tuy nhiên, Đức cùng với các nước đồng minh khác lại luôn lo ngại về phản ứng của Nga nếu đem quân đến các nước nói trên. Vì thế, NATO đến nay vẫn khước từ việc dàn quân ở sườn phía đông vì sợ khiêu khích Nga. Thay vào đó, NATO chọn cách đẩy mạnh các cuộc tập trận chung và đưa quân đến khu vực trên cơ sở luân phiên.
 
Moscow từ lâu đã đưa ra cảnh báo sắc lạnh rằng, nước này sẽ coi bất kỳ động thái triển khai quân lớn nào ở gần biên giới của mình là một hành động hung hăng, hiếu chiến.
 
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Ba Lan Duda kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm 6/8 vừa rồi sẽ là một màn thể hiện tinh thần đoàn kết với các nước Baltic, nguồn tin giấu tên trên cho hay.

Ông Duda nói rằng, ông sẽ thúc đẩy các nước thành viên NATO phê chuẩn kế hoạch triển khai quân cố định và lâu dài ở lãnh thổ Ba Lan và các nước Baltic sát với Nga tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự phương Tây vào năm tới.
 
"Do quy mô và tiềm năng kinh tế, quân sự, Ba Lan muốn đảm nhiệm vị trí xây dựng một mặt trận thống nhất trong khu vực, ví dụ như trong việc tìm cách thúc đẩy sự hiện diện quân sự cố định của NATO trong khu vực. Và chuyến thăm này đánh dấu sự mở đầu của tiến trình đó”, nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ba Lan cho hay.

"Tổng thống Duda muốn thể hiện rằng Ba Lan đoàn kết tay trong tay không chỉ với những đối tác mạnh nhất của chúng tôi mà cả với những nước đang thực sự cần sự ủng hộ, giúp đỡ của chúng tôi”, nguồn tin Ba Lan cho biết.
 
Chuyến thăm của Tổng thống Duda sẽ diễn ra vào ngày 23/8, đúng dịp kỷ niệm hiệp ước Molotov–Ribbentrop – một hiệp ước không xâm lược được ký kết năm 1939 giữa phát xít Đức và Liên Xô.
 
Văn phòng Tổng thống Ba Lan chưa lên tiếng bình luận gì về những thông tin liên quan đến chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Duda.
 
"Nỗi ám ảnh mang tên Nga"
 
Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.

Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine.
 
Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO. Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow . Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine .

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu.
 
Điều đáng nói là NATO đang thực hiện một chính sách tuyên truyền mạnh mẽ về mối đe doạ mang tên Nga ở trong khu vực. Moscow tin rằng NATO đang cố tình làm toáng lên, phóng đại lên về mối đe doạ từ Nga, về khả năng Nga xâm lược các nước láng giềng nhằm làm cái cớ tăng cường sự hiện quân sự trong khu vực cũng như kích động các nước xung quanh chống lại Nga.
 
Chiến dịch tuyên truyền của NATO đang phát huy tác dụng khi các nước láng giềng của Nga như Ba Lan hay các nước Baltic không chỉ vận động mạnh mẽ cho việc NATO triển khai quân và vũ khí đến lãnh thổ của họ mà bản thân những nước này còn tích cực tìm cách tăng năng lực quân sự để đối phó với Nga. Một loạt các nước gần Nga mới đây đã thông báo tăng chi tiêu quân sự và mua sắm nhiều vũ khí mới.
 
Về phần mình, Nga cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mối đe doạ từ NATO và các nước thân NATO ở xung quanh họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc