Chính giới Pháp "luận chiến" gay gắt vì Nga

10:26, 14/08/2015
|

(VnMedia) - Thông tin cho rằng, việc Pháp phá hủy hợp đồng bán tàu chiến Mistral cho Nga khiến nước này “thua lỗ” gấp đôi so với những gì Điện Elysee tuyên bố, đã dấy lên một cuộc luận chiến gay gắt trong chính trường Pháp. Theo đó, các đảng đối lập lớn của Pháp yêu cầu chính phủ nước này phải đưa ra lời giải thích chính thức về điều này.

Hãng tin Pháp Le Canard Enchaine của Pháp trước đó đưa tin, Chính phủ Pháp có thể đã trả hơn 2,23-2,67 tỷ USD để chấm dứt hợp đồng với Nga liên quan đến tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, mà không phải là 1,2 tỷ USD như công bố trước đó.

  Ảnh minh họa

  Tàu chiến Mistral

Thông tin này đã khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande và chính phủ của ông điêu đứng khi phải hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía đảng Cộng hòa và Mặt trận Quốc gia.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đứng đầu đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Pháp Hollande và cho rằng việc thiết lập một ủy ban quốc hội đặc biệt đề giải trình về vấn đề hủy hợp đồng tàu chiến Mistral trên là vô cùng cấp thiết.

“Người Pháp có quyền biết quyết định vô trách nhiệm này (quyết định hủy hợp đồng với Nga) gây tổn thất bao nhiêu. Chúng tôi yêu cầu thành lập một ủy ban quốc hội để sớm làm rõ các vấn đề trên”, đảng Cộng hòa tuyên bố trên trang web chính thức của mình.

Trong khi đó, lãnh đảo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia - bà Le Pen kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian từ chức. Trước đó, các phương tiện truyền thông cho biết, Pháp không đủ khả năng giữ lại 2 tàu sân bay của mình và phải bán cho quốc gia thứ ba với giá thấp.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. 
 
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine nổ ra hồi năm ngoái đã kéo theo cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đúng thời điểm này, Pháp lại đang tiến hành đào tạo, huấn luyện cho các thủy thủ Nga trên chiếc tàu Mistral đầu tiên ở thành phố cảng Saint-Nazaire. Sự kiện này gây chú ý với các đồng minh phương Tây của Pháp. Phương Tây cho rằng, việc Pháp bàn giao hai siêu tàu chiến Mistral cho Nga sẽ làm phương hại đến nỗ lực cô lập Nga của họ sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine. 
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã đích thân lên tiếng kêu gọi Paris “ấn nút ngừng” cho hợp đồng tàu chiến lớp Mistral với Nga. 
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km. 
 
Nga từng kỳ vọng hai chiếc tàu Mistral sẽ đóng góp sức mạnh không nhỏ cho lực lượng Hải quân đang được phát triển mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên, kể từ khi hợp đồng mua tàu Mistral của Pháp gặp vấn đề, Moscow nhiều lần tự tin tuyên bố sẽ tự đóng những chiếc tàu tương tự như Mistral với sức mạnh thậm chí còn vượt trội để bổ sung cho lực lượng của họ.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc