(VnMedia) - Trung Quốc vừa tung ra hơn 100 tàu, hàng chục máy bay và bắn gần 100 quả tên lửa để doạ dẫm Nhật Bản. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu hành động quân sự gây giật mình trên của Bắc Kinh có khiến đối thủ Tokyo sợ hãi?
Ảnh minh họa |
Trung Quốc tập trận rầm rộ răn đe nước láng giềng
Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Bắc Kinh và Tokyo leo thang, quân đội Trung Quốc hôm qua (27/8) đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân và không quân bắn đạn thật trên quy mô lớn ở biển Hoa Đông. Đây là khu vực biển chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á vì tranh chấp quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Không cho biết rõ sự phối hợp giữa các lực lượng cũng như địa điểm chính xác diễn ra cuộc tập trận, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc chỉ cho biết, cuộc tập trận rầm rộ của nước họ có sự tham gia của hơn 100 tàu và hàng chục máy bay. Gần 100 quả tên lửa đã được bắn đi và cuộc tập trận này còn huy động cả các đơn vị chiến tranh thông tin.
Đây là cuộc tập trận hàng hải bắn đạn thật thứ ba mà Trung Quốc tổ chức ở các vùng biển chỉ trong vòng có 2 tháng qua. Hai cuộc tập trận tương tự trước đó diễn ra ở biển Hoàng Hải và Biển Đông.
Cuộc tập trận trận của Trung Quốc ở biển Hoa Đông diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang tích cực và nỗ lực mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản ra bên ngoài, khiến Bắc Kinh cảm thấy lo ngại và bất an.
Việc Tokyo thay đổi chính sách quân sự được cho là xuất phát một phần từ sức ép của Mỹ. Siêu cường số 1 thế giới đang thúc đẩy đồng minh Nhật Bản đảm nhận một vai trò lớn hơn, mạnh mẽ hơn trong việc chống lại cái mà họ gọi là sự nổi lên ngày một “hung hăng, hiếu chiến” của Trung Quốc.
Bản thân Nhật Bản cũng muốn điều chỉnh hiến pháp hoà bình theo hướng đem đến một vai trò chủ động hơn cho quân đội nước này khi mà Tokyo đang vấp phải sự thách thức rất lớn từ nước láng giềng Bắc Kinh. Điều này được thể hiện qua cuộc đối đầu gay gắt, không nhân nhượng giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua vì cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Ngoài cuộc tập trận trên, Trung Quốc cũng đang diễn tập quân sự chung với Nga ở Biển Nhật Bản – một động thái được xem là một dấu hiệu mới trong quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó giữa Nga và Trung Quốc.
Nhật Bản có sợ hãi trước “đòn” răn đe của Trung Quốc?
Với sức mạnh quân sự ngang ngửa, nếu không nói là có phần vượt trội hơn, Nhật Bản đương nhiên là không dễ dàng bị Trung Quốc “bắt vía” như vậy. Cũng như mọi cuộc đối đầu khác, Nhật Bản luôn nhanh chóng có đòn đáp trả, thể hiện sự thách thức quyết liệt trước nước láng giềng Trung Quốc.
Khi Trung Quốc đang tập trận rầm rộ ở biển Hoa Đông, Nhật Bản hôm qua đã hạ thuỷ chiếc tàu chiến khổng lồ thứ hai và cũng là cuối cùng trong lớp tàu Izumo – chiếc tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Con tàu mang tên Kaga với trọng lượng nước rẽ là 24.000 tấn dự kiến sẽ được đưa vào biên chế quân đội Nhật Bản vào tháng 3 năm 2017. Con tàu này được đặt tên theo chiếc tàu sân bay thời thế chiến II từng tham gia vào trận chiến Trân Châu Cảng nổi tiếng.
Tàu Kaga là chiếc tàu chiến thứ hai cùng loại với tàu Izumo. Tàu Izumo được hạ thuỷ vào tháng 8 năm 2013 và vừa được đưa vào biên chế trong Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản hồi tháng Ba.
Tokyo cho biết, vai trò chính của hai chiếc tàu chiến khổng lồ của nước này chủ yếu là phục vụ cho các mục đích hoà bình, trong đó có các chiến dịch cứu trở thảm hoạ và nhân đạo.
Các nước láng giềng cũng như đối thủ của Nhật Bản tỏ ra hoài nghi về giá trị của hai chiếc tàu nói trên với tư cách là những con tàu chỉ mang tính phòng vệ. Họ nói rằng, do quy mô và cấu tạo trên bong tàu, hai tàu Kaga và Izumo có thể thực hiện chức năng như một tàu sân bay và được xem như là thứ vũ khí tấn công.
Kaga có thể mang được 7 chiếc trực thăng tuần tra chống tàu ngầm – loại trực thăng có thể phát hiện ra những chiếc tàu ngầm tinh vi của Trung Quốc.
Trong khi đó, chiếc tàu Izumo hùng dũng dài 250m và có trọng lượng nước rẽ là 27.000 tấn có thể mang tới 14 chiếc trực thăng.
Cả hai con tàu trên đều giúp Nhật Bản “nâng cao năng lực đối phó với tàu ngầm Trung Quốc”.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm 2012. Kể từ khi đó, Nhật Bản bắt đầu có nhiều động thái quân sự cho việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng. Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.
Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc