Vũ khí Nga phủ kín bán đảo Crimea, Kiev thất kinh?

10:08, 17/07/2015
|

(VnMedia) - Chính phủ Kiev có lẽ không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh khi chứng kiến cuộc tập trận rầm rộ với hàng loạt chiến đấu cơ và trực thăng chiến đấu của Nga trên bán đảo Crimea xinh đẹp. Rõ ràng, việc Kiev muốn giành lại Crimea từ tay Moscow là điều cực kỳ khó khăn.
 

Ảnh minh họa

Hình ảnh cuộc tập trận mới nhất của Nga trên bán đảo Crimea


Cuộc tập trận mới nhất trên bán đảo Crimea có sự tham gia của hàng loạt trực thăng tấn công Mi-28N, Ka-52 và Mi-35M cùng với những chiếc chiến đấu cơ được hiện đại hóa Su-27. Tất cả đều đến từ Lực lượng Không quân Nga.
 
Trong cuộc tập trận, các phi công lái trực thăng đã được huấn luyện nhiệm vụ tại khu thử Opuk để phát hiện và xác định các mục tiêu khác nhau dưới mặt đất, những chiếc trực thăng cũng như các máy bay bay ở tầm thấp, tốc độ thấp của kẻ thù. Sau khi phát hiện và xác định được mục tiêu, lực lượng trực thăng Nga đã phá hủy đội quân của kẻ thù bằng tên lửa và các loại vũ khí khác được trang bị trên máy bay, văn phòng báo chí của Quân khu Phía Nam Nga cho hay.
 
Cùng với các bài diễn tập trên không, một trung đoàn phòng thủ tên lửa cũng đã diễn tập bài tập hành quân đến một khu vực xác định nhằm đánh bật trở lại một cuộc tấn công của kẻ thù giả định, văn phòng báo chí của Quân khu Phía Nam Nga cho biết thêm.
 
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
 
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
 
Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
 
Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.
 
Nga dường như cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào nhằm vào Crimea khi liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo này bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình. Hồi cuối năm ngoái, lực lượng quân sự Nga ở Crimea đã được tiếp nhận các hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU để bảo vệ không phận của bán đảo này. Đây là một trong những loại tên lửa mạnh nhất của Nga cũng như mạnh hàng đầu thế giới. Tiếp đó, Nga còn triển khai tên lửa khủng Iskander tới bán đảo Crimea. Tên lửa Iskander cũng là một vũ khí đáng sợ đối với các đối thủ của Nga. Cũng trong thời gian cuối năm ngoái, 20 chiến đấu cơ Su-27 đã được tái triển khai đến căn cứ không quân Belbek ở Crimea.
 
Gần đây, giới chức lãnh đạo ở Moscow nhiều lần đề cập đến khả năng đưa vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea.
 
Song song với việc tăng cường triển khai vũ khí, thiết bị quân sự đến Crimea, Nga còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở bán đảo này.
 
Phong toả Crimea, phương Tây mất gì?
 
Hiện tại, để trả đũa vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Nga, phương Tây không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moscow mà tiến hành phong toả cả Crimea.
 
Tuy nhiên, nhà báo Anh Thomas Patrick Lowndes de Waal mới đây nhận định, bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Crimea, phương Tây và chính phủ Ukraine chỉ khiến người dân trên bán đảo này ngày càng xa lánh họ và đẩy người dân Crimea vào sâu hơn trong vòng tay của Nga.
 
Người dân Crimea từ lâu đã nổi tiếng về lòng dũng cảm và sự ngoan cường: bán đảo xinh đẹp này từng phải trải qua hai lần bị vây hãm một cách tàn khốc — trong cuộc Chiến tranh Crimea (1854-55) và trong Chiến tranh Thế giới thứ II, nhà báo de Waal -  một nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Nga và Âu-Á thuộc Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie, cho biết đồng thời nóit hêm rằng Crimea đang trải qua cuộc phong toả thứ ba.
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang áp đặt lệnh cấm vận kinh tế khắc nghiệt nhất thế giới lên bán đảo Crimea – biện pháp trừng phạt trên thực tế hà khắc hơn rất nhiều những đòn trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga.
 
"Gần như tất cả các mối quan hệ về thương mại, vận tải và các giao dịch ngân hàng đã bị phong toả … Nó giống như những biện pháp trừng phạt được áp đặt lên Cuba, Iran hoặc Sudan nhưng khác biện ở chỗ nó được áp dụng chỉ cho một tỉnh riêng lẻ của một đất nước thay vì là toàn bộ một quốc gia”, ông de Waal nhấn mạnh.
 
Đến lượt mình, chính phủ Kiev cũng tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào bán đảo mà họ vừa đánh mất, “cắt đứt các mối liên hệ về giao thông vận tải, nguồn điện, nguồn nước”.
 
Đáng chú ý, hồi tháng 3 vừa rồi, hai thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Chris Murphy đã nói, họ quyết tâm tiếp tục theo đuổi tiến trình phong toả kinh tế đối với Crimea cho đến khi bán đảo này trở thành “một phần của Ukraine”. Trong khi đó, hôm 19/6, EU đã gia hạn lệnh cấm thương mại và đầu tư đối với Crimea thêm một năm.
 
Những chính sách như trên sẽ chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng. "Sự bao vây kinh tế dường như làm cho cảnh ngộ của người dân Crimea thêm khốn khổ. Nguy cơ mà chính phủ Kiev và đồng minh phương Tây phải đối mặt là họ sẽ khiến người Crimea thêm thù địch Ukraine và ngày càng phụ thuộc vào Nga”, phóng viên người Anh nhận định.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc