(VnMedia) - Một vị tướng hàng đầu của Trung Quốc vừa có phát biểu thể hiện sự nhẫn nhịn trước Mỹ nhưng lớn tiếng làm găng với nước láng giềng cũng là “kỳ phùng địch thủ” của họ.
Ảnh minh hoạ |
Theo Thiếu tướng Zhu Chenghu - một giáo sư về nghiên cứu chiến lược của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, việc Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông là được phép nhưng sự hiện diện quân sự của Nhật Bản là “không thể chấp nhận được”.
"Mỹ trước đây có các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á như ở Philippines và thậm chí là ở Việt Nam. Và họ cũng có sự hợp tác quân sự với Singapore. Vì thế, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông là có thể chấp nhận được với Trung Quốc", Thiếu tướng Zhu cho biết.
Tuy nhiên, ông Zhu nhấn mạnh, "đối với sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở trong khu vực, sẽ rất khó để nhân dân và chính phủ Trung Quốc chấp nhận được”.
Phát biểu trên của ông Zhu khiến người ta bất ngờ bởi lâu nay ông này vẫn là người nổi tiếng vì lập trường cứng rắn, diều hâu đối với Mỹ và cũng bởi vì Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương – một chính sách được cho là nhằm để kiềm chế, thắt chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Trung Quốc lại đang “khuấy đảo” Biển Đông khi cấp tập đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Nhiều trong số các dự án bồi đắp này được cho là có thể phục vụ cho mục đích quân sự. Hành động của Trung Quốc khiến cộng đồng thế giới hết sức lo ngại.
Cũng giống như Mỹ, Nhật Bản không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng lại tuyên bố có lợi ích ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Vì thế, cùng với Mỹ, Nhật Bản đang có những động thái thách thức tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tokyo lo ngại việc Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông cũng như lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là một lực lượng hàng hải.
Sự quan ngại của Nhật Bản là có cơ sở. Việc Trung Quốc đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông bằng cách bồi đắp, xây dựng một loạt đảo nhân tạo rõ ràng là nhằm phục vụ cho tham vọng giành quyền kiểm soát khu vực biển này. Biển Đông không chỉ giàu có về tài nguyên như dầu mỏ, hải sản... mà còn chứa những tuyến đường biển chiến lược. Mỗi năm, có đến 5 nghìn tỉ USD giao dịch thương mại, hàng hoá đi qua Biển Đông. Vì thế, nếu để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Biển Đông, các nước trong đó có Mỹ và Nhật Bản thực sự đều bị ảnh hưởng. Đây mới chỉ là phần nổi của vấn đề. Mỹ và Nhật Bản còn cảm thấy bất an trước sự nổi lên của Trung Quốc theo chiều hướng như thế này.
Nhận thức được nguy cơ từ Trung Quốc, Nhật Bản gần đây bắt đầu có hàng loạt bước đi, động thái can thiệp trực tiếp và sâu vào vấn đề Biển Đông. Cụ thể, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thiết lập một liên minh mạnh mẽ với Philippines – nước đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ, hậu thuẫn Philippines xây dựng một lực lượng hàng hải mạnh. Mới đây, Nhật Bản còn tham gia tập trận chung với Philippines ở Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng, cuộc tập trận đó chính là lời khẳng định ngầm của Tokyo về sự ủng hộ dành cho Philippines trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nó cũng là lời cảnh báo mà Tokyo muốn nhắn gửi đến Trung Quốc.
Quyết liệt hơn, thẳng thừng hơn, Nhật Bản còn đang có ý định tiến hành các cuộc tuần tra chung với đồng minh Mỹ ở Biển Đông.
Những động thái trên của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc không thể ngồi yên. Giới chức ở Bắc Kinh liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo, đe doạ nhằm vào Tokyo, kêu gọi Nhật Bản tránh xa Biển Đông.
Việc Nhật Bản can dự vào tình hình Biển Đông đã khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa nước này với Trung Quốc càng trở nên căng thẳng hơn, nóng bỏng hơn.
Tokyo và Bắc Kinh trong những năm gần đây đã có cuộc đối đầu vô cùng quyết liệt và căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và sau này là cả máy bay chiến đấu đến tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm thách thức quyền quản lý của Nhật Bản ở đây. Hành động này của Trung Quốc nhiều lần đẩy hai nước Trung-Nhật đến sát bờ vực của một cuộc xung đột.
Vân Linh
Ý kiến bạn đọc