Tổng thống Ukraine bị bao vây bốn phía

17:20, 29/07/2015
|

(VnMedia) - Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi tình hình ở Ukraine leo thang. Tổng thống Poroshenko đang phải đối mặt với chính chính phủ của mình, với cuộc chiến ở miền đông Ukraine và với các nhóm cực đoan ở phía tây đất nước. Điều đáng nói là Nhà lãnh đạo đương nhiệm của Ukraine dường như chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu trên ba mặt trận như thế, tạp chí Contra Magazin đã nhận định như vậy. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến cuộc đối đầu giữa chính quyền Kiev với Nga.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Poroshenko


Trước cuộc đảo chính, Ukraine dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych là một nơi hoà bình so với tình hình hiện nay khi quốc gia Đông Âu đang phải đối mặt với sự rối loạn, suy sụp, tạp chí Contra Magazin của Đức đưa tin.
 
Các nhà hoạt động Maidan chắc chắn không chờ đợi một kết quả như trên cũng như không ngờ được về sự nổi lên của những thành phần cực đoan, hiếu chiến thuộc nhóm Cánh Hữu. Lực lượng này đang tìm cách lợi dụng tình hình hỗn loạn để phục vụ cho các mục đích của riêng họ, tạp chí của Đức nhận xét.
 
Các thành phần cánh hữu cực đoan mang tư tưởng phát xít đang trở thành một vấn đề lớn, gây đau đầu cho Tổng thống Poroshenko. Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk cần những thành phần như vậy cho cuộc chiến nhằm đàn áp lực lượng ly khai miền đông Ukraine nhưng những thành phần đó giờ đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát và đang tìm cách loại bỏ chính phủ đương nhiệm.
 
Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các “thể chế, tổ chức ký sinh” của họ đang cố tìm cách giành được chỗ đứng ở Ukraine và góp phần làm trầm trọng thêm tình hình ở Ukraine. Để đạt được các mục đích như vậy, họ sẵn sàng dùng bất kỳ phương tiện cần thiết nào, thậm chí kể cả hy sinh mạng sống của rất nhiều người vô tội. Mỹ và EU trên thực tế đã lội qua những vũng máu giết chóc khi họ tìm cách bành trướng, mở rộng ảnh hưởng và quyền bá chủ, bài báo trên tạp chí của Đức phân tích.
 
Cũng theo tạp chí Contra Magazin, bộ máy chính trị hiện nay trong giới lãnh đạo Ukraine cũng còn lâu mới đạt được độ lý tưởng. Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk luôn ở tư thế đối đầu với nhau. Họ không thể làm gì mà không có nhau nhưng nếu có cơ hội họ sẵn sàng loại bỏ nhau một cách không thương tiếc.
 
Vì vậy, Tổng thống Poroshenko hiện giờ đang loay hoay kẹt cứng giữa ba mặt trận. Một mặt, ông không chỉ phải đối phó với chính chính phủ của mình mà còn phải đương đầu với lực lượng ly khai miền đông Ukraine cũng như phải xử lý các thành phần phát xít mới ở những khu vực phía tây của đất nước.
 
Ai giành chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của phương Tây. Thủ tướng Yatsenyuk với tư cách là “người của Mỹ” đang có nhiều lợi thế hơn. Vì thế, khả năng ông Poroshenko phải từ chức, ra đi có thể là một lựa chọn, tạp chí của Đức cho hay.
 
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một mặt trận mà Tổng thống Ukraine phải đối mặt ngoài 3 mặt trận nói ở trên. Đó là cuộc đối đầu quyết liệt với Nga.
 
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
 
Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Mâu thuẫn này được cho là đã âm ỉ từ lâu và được dịp bùng phát sau sự kiện ông Yanukovych quyết gác lại thỏa thuận hợp tác với EU để ưu tiên mối quan hệ với một nước Nga vốn có nhiều mối liên kết sâu đậm về lịch sử, truyền thống, văn hóa và cả huyết thống với Ukraine.
 
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 15 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
 
Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc