Mỹ “tung đòn” mới, bắt Nga phải trả giá thêm?

18:10, 18/07/2015
|

(VnMedia) - Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng gây thêm áp lực với Nga trong trường hợp tình hình xung đột ở Ukraine leo thang và sẽ “khiến Nga phải trả giá thêm nữa”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland mới đây đã lạnh lùng cảnh báo như vậy. Bà này cũng tiết lộ rằng Mỹ sẽ đầu tư 150 triệu USD vào hoạt động đào tạo, huấn luyện cho quân đội Ukraine như một phần của sự “trợ giúp an ninh” mà Washington dành cho Kiev.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


“Như các bạn biết, các biện pháp trừng phạt mà cộng đồng quốc tế - gồm Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), cùng áp dụng với Nga là nhằm để làm thay đổi chính sách của Moscow, để khuyến khích nước này thực hiện các nghĩa vụ của mình. Chúng tôi đã nói rõ rằng những biện pháp trừng phạt đó sẽ vẫn được duy trì cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc, bao gồm việc chấm dứt tình trạng bạo lực, trao trả con tin và biên giới Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rất rõ rằng, nếu tình trạng bạo lực tăng lên, chúng tôi sẵn sàng gây thêm áp lực đối với Nga”, bà Nuland đã phát biểu như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn với chương trình “Shuster Live” trên kênh truyền hình 112 của Ukraine .

 

“Hy vọng của tôi là chúng ta có thể sử dụng áp lực này để bắt Nga và những thành phần ở Donetsk và Luhansk phải thực hiện theo các nghĩa vụ của họ. Nếu không, họ sẽ phải trả giá thêm nữa”, nữ quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng cái giá mà Nga và hai khu vực miền đông Ukraine phải trả sẽ có cả trong lĩnh vực quân sự và kinh tế.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ, nước này đã “đóng góp khoảng 150 triệu USD cho sự trợ giúp về an ninh để giúp đào tạo cho quân đội Ukraine . Chúng tôi đang thực hiện hoạt động huấn luyện ở Yavoriv”.

 

Hiện tại, có hơn 300 lính nhảy dù từ Sư đoàn Không quân số 173 của quân đội Mỹ đang trực tiếp tham gia công việc huấn luyện, đào tạo cho binh lính Ukraine ở thao trường Yavoriv thuộc khu vực Lviv. Hoạt động này đã diễn ra từ ngày 20/4. Mục đích được tuyên bố là để “phát triển các kỹ năng chuyên nghiệp cho binh lính thuộc Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine ”.

 

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã đưa ra bình luận về việc thực hiện thỏa thuận Minsk của phía Kiev, nói rằng Kiev đã sửa đổi hiến pháp để giải quyết vấn đề quy chế đặc biệt cho Donbass (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Ukraine là Donetsk và Luhask). Bà Nuland cho rằng, bước đi trên “thể hiện rằng Kiev đã thực hiện đúng nghĩa vụ trong thỏa thuận Minsk – thỏa thuận ngừng bắn thứ hai ở vùng xung đột Donbass”.

 

Lời nhận xét trên của bà Nuland nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích dữ dội của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga. Ông này nói rằng, Kiev “còn xa mới thực hiện đúng các nghĩa vụ được đưa ra trong thỏa thuận Minsk ”.

 

Hôm 16/7, Tổng thống Poroshenko đã đệ trình lên Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) những sửa đổi hiến pháp liên quan đến vấn đề trao quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass.

 

Bản sửa đổi hiến pháp không hề đả động gì đến chế độ liên bang hay quy chế đặc biệt cho hai khu vực Donetsk và Luhansk, Tổng thống Poroshenko hôm 16/7 cho hay. "Không có bất kỳ một dấu hiệu nào nói đến chế độ liên ban.Ukraine đã, đang và sẽ là một quốc gia theo chế độ trung ương tập quyền. Bản dự tháo cũng không trao quy chế đặc biệt cho vùng Donbass. Tôi chắc chắn rằng bản phác thảo được trình lên không vượt ra ngoài khuôn khổ thỏa thuận Minsk ”, ông Poroshenko nói thêm.

 

Theo những sửa đổi được đưa ra, “sẽ có một dự luật đặc biệt quy định rõ về những tính chất riêng, nét đặc trưng riêng của chính quyền tự trị” ở hai khu vực Donetsk và Luhansk.

 

Tuy nhiên, Quốc hội Ukraine chưa bỏ phiếu thông qua những sửa đổi do Tổng thống Poroshenko trình lên và bản phác thảo này sẽ được gửi đến Tòa án Hiến pháp, một nghị sĩ cho biết.

 

Trước đó, thỏa thuận Minsk được ký hồi tháng 2 đã quy định Kiev phải sửa đổi hiến pháp để trao quyền tự trị nhiều hơn cho hai khu vực Donetsk và Luhansk.

 

Pháp, Đức, Nga , Ukraine kêu gọi tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn

 

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày hôm qua, Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã lên tiếng kêu gọi các bên có sự “tôn trọng đầy đủ đối với những cam kết” được đưa ra trong thỏa thuận hòa bình Minsk, văn phòng Tổng thống Pháp cho biết khi nói về cuộc hội đàm đầu tiên của Bộ Tứ Normandy trong vòng hơn 2 tháng qua.

 

Các nguồn tin ở Kiev cho hay, những cuộc thảo luận giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko – lần đầu tiên kể từ hôm 30/4, đã kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ và tập trung vào việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 15 tháng qua ở Ukraine.

 

Các bên đối địch nhau ở Ukraine đã ký vào thảo thuận ngừng bắn hồi tháng 2 nhưng cả hai bên vẫn đổ lỗi, cáo buộc nhau về những vụ vi phạm.

 

Trong lúc này, tình hình ở miền đông Ukraine đang có chiều hướng xấu đi sau vài tháng khá yên bình với tình trạng giao tranh, đụng độ giảm rõ rệt. Hồi đầu tuần, quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã có các cuộc giao tranh ác liệt chưa từng có trong nhiều tuần trở lại đây, khiến số thương vong cũng tăng cao kỷ lục trong thời gian này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc