(VnMedia) - Siêu cường số 1 thế giới – Mỹ bất ngờ có hành động được xem như là sự “tuyên chiến” đối với hai đối thủ mạnh nhất của họ hiện giờ. Liệu đây có phải là một hành động khôn ngoan?
Ảnh minh hoạ |
Chiến lược quân sự mới của Mỹ đã chọn ra những nước như Trung Quốc và Nga là các lực lượng hiếu chiến và đe dọa đến những lợi ích an ninh của Mỹ. Đồng thời, Washington cũng cảnh báo về thách thức công nghệ ngày càng tăng cũng như sự ổn định toàn cầu ngày càng suy giảm.
Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ hôm qua (1/7) đã đưa ra một bản báo cáo đầy ảm đạm, trong đó cảnh báo về “khả năng thấp nhưng mà đang ngày càng tăng lên” về việc Mỹ sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh với một cường quốc lớn với hậu quả “cực kỳ to lớn”.
Nga “liên tục thể hiện nước này không tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được các mục đích của họ. Những hành động quân sự của Nga và của những lực lượng được Nga ủy quyền đang làm phương hại trực tiếp đến an ninh khu vực”, Bản Chiến lược Quân sự Quốc gia năm 2015 của Mỹ đã nói như vậy. Bản chiến lược quân sự mới của Mỹ lấy ra dẫn chứng là sự hiện diện quân sự của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine mặc dù Moscow liên tục bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc cho rằng nước này đang triển khai lực lượng quân sự đến miền đông Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai.
Với Trung Quốc, bản chiến lược của Mỹ nói rằng, "những hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ám chỉ đến nỗ lực bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh đang cấp tập tiến hành ở Biển Đông nhằm tăng cường sự hiện diện dân sự và quân sự của nước này ở khu vực đang có tranh chấp nóng bỏng.
Bản báo cáo của Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại về những nước đang phát triển các năng lượng công nghệ tối tân có thể khiến quân đội Mỹ mất đi ưu thế trong lĩnh vực này.
"Khi áp dụng với các hệ thống quân sự, sự phổ biến của công nghệ đang thách thức lợi thế cạnh tranh mà lâu nay Mỹ vẫn giữ như hệ thống cảnh báo sớm hoặc hệ thống tấn công chính xác”, bản chiến lược quân sự của Mỹ cho hay.
Ngoài Nga và Trung Quốc, bản chiến lược của Mỹ cũng đưa Iran và Triều Tiên vào danh sách các nước gây ra “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng” đối với Mỹ và các đồng minh, nhấn mạnh đến năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của hai quốc gia nói trên.
"Kể từ sau khi bản chiến lược quân sự quốc gia mới nhất được công bố cách đây 4 năm, sự hỗn loạn toàn cầu có xu hướng tăng lên trong khi một vài trong số những lợi thế cạnh tranh của chúng ta đang xói mòn dần”, ông Dempsey đã thừa nhận như vậy với cánh phóng viên. Bản chiến lược năm 2011 nói rất ít về Nga.
Mỹ là nước đang có mức ngân sách quốc phòng hàng năm khủng nhất thế giới với mức khoảng 600 tỉ USD, lớn hơn gấp nhiều lần bất kỳ nước nào khác.
Và khi đối mặt với những đối thủ không phải là nhà nước như nhóm khủng bố khét tiếng thế giới tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Dempsey cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu, phức tạp đang ở phía trước. “Những cuộc xung đột tương lai sẽ đến nhanh chóng, kéo dài hơn và diễn ra trên một chiến trường có độ thách thức về công nghệ lớn hơn rất nhiều”, Tướng Dempsey đã viết như vậy ở lời tựa đầu của bản chiến lược quân sự quốc gia mới.
Báo Nga: Mỹ lại “tô vẽ” về mối đe dọa Nga với hòa bình thế giới
Tờ Sputnik của Nga đã nhanh chóng có bài phản pháo bản chiến lược quân sự mới của Mỹ. Theo tờ báo này, bản chiến lược được công bố ngày hôm qua của Mỹ đã cho thấy một bước chuyển chiến lược mới của Mỹ sang khu vực Thái Bình Dương. Nó cũng củng cố thêm một số cách nghĩ cũ kỹ, lỗi thời về một “mối đe dọa” tưởng tượng mang tên Nga đối với hòa bình thế giới trong khi phớt lờ chính những hành động dọa dẫm, gây bất ổn của Washington.
Chiến lược của Lầu Năm Góc dường như đang chuyển hướng trọng tâm từ lực lượng cực đoan sang “các đối thủ quốc gia” truyền thống. Những đối thủ này bao gồm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran.
Lo sợ mất ảnh hưởng ở Thái Bình Dương đã khiến Mỹ phải vội vàng tăng cường sự hợp tác an ninh với Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á khác.
Washington tiếp tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, không có cơ sở về sự dính líu của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tờ báo của Nga chỉ ra rằng, trong khi bản chiến lược quân sự mới của Mỹ nói về “những hành động quân sự của Nga làm phương hại đến an ninh khu vực” thì lại không đả động gì đến sự can thiệp, dính líu của Mỹ vào chiến dịch đánh bom ở Yemen.
Bản chiến lược quân sự mới của Mỹ chắc chắn sẽ đẩy cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga-Mỹ lên một cấp độ mới. Quan hệ Nga-Mỹ vốn đã đang rất căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi Mỹ đang dẫn dắt các đồng minh Châu Âu tham gia vào một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc