(VnMedia) - Ấn Độ vừa xác nhận kế hoạch thiết kế và phát triển một loại xe tăng chiến đấu chủ lực mới để thay thế dòng xe tăng từ thời Liên xô cũ - T-72 cho Lục quân Ấn Độ. Thông tin trên vừa được trang web Gazeta.ru đưa ra hôm qua (30/6).
Vũ khí của Liên xô cũ và Nga chiếm tới khoảng 40% tổng kho vũ khí bộ binh của Ấn Độ (80% trong Không lực và 75% trong Hải quân). Tổng cộng, có khoảng 600 xe tăng T-55, 2000 xe tăng T-72M1 và 640 xe tăng T-90C.
Xe tăng mới dự kiến được thiết kế và chế tạo cho Lục quân Ấn Độ được biết đến là Phương tiện Sẵn sàng Chiến đấu Tương lai (FRCV).
Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới sẽ tạo thành khung gầm cơ bản cho các phương tiện bọc thép khác, tương tự như khung gầm xe tăng Armata do Nga chế tạo. Lục quân Ấn Độ muốn sử dụng khung gầm này cho tổng số 11 xe bọc thép bánh xích khác nhau.
Tạp chí the Diplomat cho biết, số xe bọc thép mà Ấn Độ muốn phát triển dựa trên khung gầm Armata cho 11 loại phương tiện bọc thép, bao gồm các xe tăng hạng nhẹ bánh xích và bánh hơi, xe bắc cầu, xe rà phá mìn, pháo tự hành, pháo phòng không, xe chỉ huy quan sát pháo binh và trinh sát công binh, và xe bọc thép cứu thương.
Theo thông tin từ tờ Gazeta.ru, Ấn Độ có thể sẽ sử dụng xe tăng Armata mới của Nga làm nguyên mẫu thử nghiệm cho các xe bọc thép của họ. Trong khi đó, hồi đầu tháng này, chuyên gia quân sự Samir Patil thuộc Trung tâm phân tích Gateway House của Ấn Độ cho rằng, New Delhi sẵn sàng mua khung gầm Armata hoặc một số bộ phận của nó để phát triển xe tăng tương lai của mình.
Armata là loại xe tăng tác chiến chủ lực mới mang đặc tính kỹ-chiến thuật ưu việt như hệ thống tự động lên đạn, biên chế kíp lái và đầu đạn tác chiến mới.
Đặc điểm khiến xe tăng Armata nổi bật hơn so với các dòng xe tăng trong nước và nước ngoài là tổ lái của xe tăng được bao bọc an toàn trong một khoang bọc thép nhiều lớp, và xe tăng hoàn toàn được điều khiển bằng máy tính và chỉ cần 3 người vận hành.
Nhiều chuyên gia quân sự Nga cho rằng cuối cùng Armata sẽ được phát triển thành một xe tăng hoàn toàn tự động.
Xe tăng có tháp pháo không người lái được điều khiển từ xa với kíp lái gồm 3 thành viên được bố trí ngồi ở một khoang bọc thép riêng biệt ở phía trước của thân xe tăng, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế để chịu đựng được những đòn hỏa lực trực diện của kẻ thù. Theo nhà sản xuất xe tăng Armata, hệ thống bảo vệ hiện đại giúp tăng độ an toàn cho kíp lái, đồng thời tăng hiệu quả bắn phá và có được sự linh hoạt trong khi chiến đấu.
Những đặc tính công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế của xe tăng Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây, tờ AP đã nhận định như vậy.
Không chỉ có khả năng tự động lên đạn, xe tăng Armata còn có thể sử dụng đồng thời 32 loại đầu đạn tác chiến khác nhau và có thể tấn công đối phương ngay cả khi xe đang cơ động.
Xe tăng T-14 được trang bị súng đại bác nòng trơn với cỡ nòng 125mm. Loại vũ khí này có thể bắn những loại đạn dược có hỏa lực cao, trong đó có loại đạn xuyên bọc thép, tên lửa dẫn đường, các loại đạn hình thù khác nhau và nhiều loại đạn khác.
Người ta dự đoán, xe tăng Armata còn có thể sử dụng loại súng đại bác cỡ nòng 152. Nếu điều này là đúng thì đây là loại xe tăng được trang bị súng đại bác mạnh nhất từ trước đến nay trong số các loại xe tăng chiến đấu. T-14 còn được trang bị súng cỡ nòng nhỏ 30mm để bắn hạ những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp, trong đó có máy bay và trực thăng. Để bảo vệ mình trước các tên lửa chống tăng, T-14 sẽ có một súng máy hạng nặng được đặt trên tháp pháo với cỡ nòng là 12,5mm.
Xe tăng Armata được kỳ vọng sẽ trở thành xe tăng tiêu chuẩn trong quân đội Nga trong tương lai. Hiện tại, Nga đang xúc tiến một kế hoạch trang bị vũ khí quy mô lớn cho quân đội và kế hoạch này được cho là sẽ hoàn tất vào năm 2020. Được biết, nếu như được thử nghiệm thành công và mọi chuyện diễn biến theo kế hoạch thì đến năm 2020, Lục quân sẽ nhận được 2.300 chiếc loại này.
Ý kiến bạn đọc