Phương Tây loay hoay bất lực trước Tổng thống Putin

16:02, 01/06/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không có mặt trong danh sách khách mời khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác đến tụ họp ở Đức vào tuần này. Đây là một phần của biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Moscow vì cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.  
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Nga vẫn là nhân vật trung tâm trên trường quốc tế bất chấp việc giới lãnh đạo phương Tây thề sẽ tìm cách cô lập ông Putin khi cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục diễn ra. Ví dụ như Nga vẫn đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong các cuộc đàm phán hạt nhân do Mỹ dẫn đầu với đối tác Iran.
 
Ngay tháng trước, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thủ đô Moscow để gặp gỡ với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Sochi để hội kiến với ông chủ điện Kremlin. Tổng thống Putin và Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc điện đàm trong những ngày gần đây và hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm biện pháp chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria – nơi sự hợp tác của ông Putin là vô cùng quan trọng.
 
Giới chức Mỹ nói rằng, sự hợp tác giữa Nga và phương Tây chỉ giới hạn ở những lĩnh vực mà ở đó Moscow và phương Tây chia sẻ lợi ích và sự quan tâm chung. Giới chức Mỹ lập luận rằng, sự bắt tay kết hợp với ông Putin trong những lĩnh vực đó không nên được coi là một dấu hiệu chứng tỏ phương Tây đã chấp nhận thế nguyên trạng hiện nay ở Ukraine.
 
"Việc hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung rõ ràng là điều rất có ý nghĩa chừng nào các bạn không được yêu cầu phải từ bỏ những vấn đề thuộc về nguyên tắc có ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích của nước các bạn cũng như của các đồng minh và bạn bè của các bạn”, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tuần trước đã phát biểu như vậy.
 
Một số nhà phân tích cho rằng, phương Tây đang có nguy cơ phát đi những tín hiệu lẫn lộn cho Ukraine khi chính quyền Kiev đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa cho họ. Ông Matthew Rojansky – một nhà phân tích của Trung tâm Wilson chuyên theo dõi các nước cựu Xô-viết, cho hay, “đang có sự thất vọng ngày càng lớn” ở Ukraine về cái mà giới chức ở Kiev gọi là “cam kết yếu ớt” của phương Tây trong việc bảo vệ chủ quyền của Ukraine.
 
"Tất cả họ đều đang vô cùng lo lắng về viễn cảnh Mỹ sẽ ném họ xuống dưới gầm xe buýt để thực hiện một cuộc ngã giá lớn với Tổng thống Putin”, ông Rojansky cho biết trong một bức thư email gửi từ Kiev - nơi ông này đang có cuộc họp với giới chức chính phủ ở thủ đô Kiev và các nhóm xã hội dân sự.
 
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu leo thang từ hồi năm ngoái khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Những người dân ở miền đông Ukraine không thừa nhận sự hợp pháp của chính quyền mới ở thủ đô Kiev và đã tiến hành chiến dịch biểu tình. Đáp lại, chính quyền Kiev phát động một chiến dịch quân sự đàn áp mạnh tay làn sóng biểu tình của những người miền đông. Trong cuộc xáo trộn đó, Nga đã thực hiện vụ sáp nhập bán đảo Crimea gây chấn động.
 
Phương Tây không công nhận động thái trên của Moscow. Tuy nhiên, Mỹ và Châu Âu gần như đã từ bỏ việc đòi Nga trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Thay vào đó, phương Tây tập trung vào cái mà họ gọi là những động thái đe doạ của Moscow ở miền đông Ukraine – khu vực chứng kiến những cuộc giao tranh, đụng độ đẫm máu giữa quân Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong suốt hơn một năm qua. Kiev và quân ly khai đã đạt được một thoả thuận ngừng bắn mong manh hồi tháng 2 nhưng thoả thuận này tiếp tục bị vi phạm một cách thường xuyên trong thời gian qua dù tình trạng giao tranh cũng như thương vong đã giảm đi rất nhiều.
 
Phương Tây đã dùng đến lời đe doạ về sự cô lập ngoại giao như một đòn trừng phạt đối với Nga một phần vì dựa trên niềm tin cho rằng Tổng thống Putin rất coi trọng vị thế là một cường quốc lớn của Nga. Ông chủ điện Kremlin đã sử dụng sự cô lập, vây ép của phương Tây để kích thích tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc ở Nga. Kết quả là trong bối cảnh  Nga bị “vây hãm tứ bề”, uy tín của Tổng thống Putin liên tục tăng vọt.
 
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Putin đã cáo buộc, cuộc điều tra tham nhũng của Mỹ vào cơ quan điều hành bóng đá thế giới – FIFA là một phần của nỗ lực nhằm “cướp” World Cup 2018 ra khỏi Nga.
 
Cho đến thời điểm này, sức ép rõ ràng nhất mà phương Tây có thể gây cho Nga là nền kinh tế. Tuy nhiên, đồng rúp đã ổn định trở lại sau khi sụt giảm thê thảm hồi năm ngoái do tác động của giá dầu sụt mạnh và những đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây. Mặc dù vậy, nền kinh tế Nga hiện tại vẫn còn khá mong manh.
 
Tuy nhiên, Mỹ và Châu Âu dường như không thể tung ra thêm các biện pháp trừng phạt Nga nếu như không có bằng chứng về sự can thiệp của Nga vào Ukraine. Hơn nữa, các nước Châu Âu với mối quan hệ tài chính chặt chẽ với Nga hiện giờ đang thực sự lo ngại trước viễn cảnh những biện pháp trừng phạt có thể gây ra sự phá hoại đối với nền kinh tế của chính họ.
 
Khi Tổng thống Obama có cuộc gặp với giới lãnh đạo Châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Đức vào tuần này, ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ tiếp tục ép các đồng minh Châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga sau khi những biện pháp trừng phạt này hết hạn vào mùa hè này. Nga được mời tham gia vào G-7 - liên minh các nước công nghiệp hàng đầu thế giới, vào năm 1998 và vẫn là một thành viên của cái gọi là G-8 cho đến năm ngoái khi nhóm nước này quyết định loại bỏ Nga vì cáo buộc Moscow có dính líu đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc