(VnMedia) - Moscow vừa tung ra một “đòn phản công” mới nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt với Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề Crimea. Động thái của Nga khiến giới chức EU nháo nhào lên tiếng.
Quan hệ giữa Nga và EU đang xấu đi trầm trọng |
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hồi cuối tuần vừa rồi cho biết, Moscow đã đưa ra một danh sách đen gồm hàng chục chính khách của Liên minh Châu Âu bị cấm đề Nga. Đây là đòn trả đũa cho những gì mà EU đang làm với Nga.
"Moscow hôm qua đã trao cho các đại sứ quán của EU danh sách hàng loạt cá nhân bị cấm vào Nga", ông Rutte cho biết tại một cuộc họp báo hàng tuần đồng thời nói thêm rằng có hai nghị sĩ Hà Lan và hai nghị sĩ EU người Hà Lan có tên trong danh sách đen của Nga.
Theo một bức thư của Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders và được nghị sĩ EU người Bỉ Mark Demesmaeker đưa lên trên mạng, danh sách đen vừa được Nga đưa ra gồm 89 cái tên, trong đó có nhiều vị quan chức quân sự và tình báo cấp cao của các nước phương Tây. Tính xác thực của bức thư sau đó đã được xác nhận bởi Bộ Ngoại giao Hà Lan. Phía Moscow đề nghị không công bố danh sách đen của họ.
Moscow đã tung ra “đòn” bất ngờ mới nói trên là nhằm đáp trả cho những biện pháp trừng phạt mà EU đang áp đặt với Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái cũng như vì cái được gọi là sự “dính líu” của Nga trong cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine, ông Rutte cho hay.
Một phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao EU ở Brussels cho biết, Nga đã cấm rất nhiều chính khách Châu Âu vào nước này trong những tháng gần đây nhưng cho đến nay vẫn từ chối đưa ra một danh sách những cá nhân bị Nga nhắm tới.
"Chúng tôi ghi nhận giới chức Nga đã quyết định chia sẻ danh sách. Chúng tôi không có thêm bất kỳ thông tin nào khác về cơ sở pháp lý, về tiêu chí hay tiến trình” của việc đưa ra danh sách đó, nữ phát ngôn viên của EU cho biết trong một tuyên bố được gửi qua email.
Ông Guy Verhofstadt – người đứng đầu nhóm Tự do trong Quốc hội Châu Âu và là một cựu nghị sĩ Bỉ, cũng có tên trong danh sách, phát ngôn viên của ông này - Jeroen Reijnen cho hay.
"Ông Verhofstadt bị cấm đến Nga. Ông ấy ở trong danh sách cùng với 80 người khác”, ông Reijnen cho hay đồng thời thêm rằng lệnh cấm được đưa ra sau khi ông Verhofstadt kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập đối với vụ sát hại vị chính sách đối lập của Nga - Boris Nemtsov.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển xác nhận 8 chính khách của nước họ có tên trong danh sách đen của Nga nhưng không tiết lộ cụ thể đó là những ai.
EU phản ứng
Ngay sau khi thông tin về danh sách đen của Nga được tiết lộ, Liên minh Châu Âu đã lên tiếng phản đối gay gắt.
Liên minh Phương Tây đã nói trong một tuyên bố rằng, nhiều chính khách của họ đã bị cấm đến Nga trong nhiều tháng trở lại đây với lý do họ có tên trong một “danh sách mật”. Và giờ, 89 cái tên trong danh sách đã được công bố với giới chức EU nhưng chúng tôi “xem biện pháp đó là phi lý và tùy tiện”.
"Đó thực sự là một hành vi đáng kinh ngạc và không may nó lại không giúp cải thiện hình ảnh của Nga. Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ về hành vi đó”, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstroem đã nói như vậy với hãng tin TT.
Thủ tướng Hà Lan Rutte trong khi đó cho biết, chính phủ Hà Lan đã bác bỏ hành động của Nga và sẽ để cho “Moscow biết rõ về điều này”.
Danh sách đen của Nga “được đưa ra không dựa vào luật quốc tế, không minh bạch và không phù hợp” với tiến trình pháp lý, ông Rutter nói thêm.
Về phần mình, Berlin lên tiếng yêu cầu Moscow phải công khai danh sách đen cũng như cách thức mà danh sách này được đưa ra. "Chính phủ Đức mong chờ giới chức Nga công khai danh sách những cá nhân bị cấm đến Nga cũng như các phương tiện pháp lý mà họ áp dụng để đưa ra danh sách đó”, Bộ Ngoại giao Đức đã nói như vậy trong một tuyên bố.
"Những người có mặt trong danh sách phải lập tức biết về lệnh cấm này. Họ có quyền biết lý do và có quyền khiếu nại”, Berlin cho hay.
Một phát ngôn viên của Cơ quan Đối ngoại Anh thì nói, danh sách của Nga đưa ra chẳng dựa trên bất kỳ lý lẽ nào. "Nếu ý định của Nga là để gây áp lực và sức ép lên EU nhằm gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt thì đây không phải là cách”, nữ phát ngôn viên của Anh nhấn mạnh.
Mối quan hệ giữa Nga và Liên minh Châu Âu bắt đầu xấu đi trầm trọng từ năm 2014 sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu ra sức đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, kích động cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Dù Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên, Liên minh Châu Âu và Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những đòn trừng phạt gây tổn thương sâu sắc đến nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moscow cũng tung đòn trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm vận nông sản, thực phẩm đối với tất cả các nước áp dụng chính sách trừng phạt với Nga. Kết quả là cả Nga và Liên minh Châu Âu đều phải hứng chịu tổn thất nặng nề từ “cuộc chiến” trừng phạt nói trên.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc