Nga sẽ bắt Mỹ phải trả giá

13:51, 12/06/2015
|

(VnMedia) - Nga hôm qua (11/6) cảnh báo Mỹ sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tiếp tục “ngoan cố” xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu, đi ngược lại hiệp ước kiểm soát vũ khí then chốt thời Chiến tranh Lạnh.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Rõ ràng, những hành động như vậy sẽ đồng nghĩa với việc phía Mỹ phá hủy hoàn toàn chế độ của hiệp ước và điều đó chắc chắn sẽ để lại hậu quả”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, ám chỉ đến Hiệp ước giải trừ tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.
 
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hiệp ước INF và không đe dọa tính khả thi của hiệp ước này", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
 
Hai nước Nga và Mỹ thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm hiệp ước mà Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Xô-viết Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987.
 
Giới chức quốc phòng Mỹ hồi tuần trước cho biết, Washington đang cân nhắc khả năng tiến hành một loạt động thái nhằm đối phó với những hành động mà họ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF. Trong những động thái mà Mỹ muốn tiến hành có việc củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc triển khai các tên lửa trên mặt đất ở Châu Âu.
 
Hiệp ước INF yêu cầu xóa bỏ các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường với tầm bắn trung bình là 500-5.500km. Thỏa thuận này lần đầu tiên đánh dấu việc các cường quốc trên thế giới đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của họ.
 
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước nói rằng, vào năm 2014, Nga “đã tiếp tục vi phạm những nghĩa vụ được quy định trong Hiệp ước INF. Đó là những nghĩa vụ không sở hữu, sản xuất hay phóng thử các loại tên lửa được nói ở trên”.
 
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng phản pháo, khẳng định bản báo cáo của Mỹ là “không phù hợp với thực tế” đồng thời thách Washington đưa ra được bằng chứng chứng minh cho những cáo buộc của họ.
 
Về phần mình, Moscow đã đưa ra vấn đề Washington có kế hoạch triển khai ở Ba Lan và Rumani những hệ thống tên lửa có thể phóng được các tên lửa hành trình Tomahawk.
 
"Một hành động triển khai như vậy sẽ đi ngược lại hoàn toàn với Hiệp ước INF", Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
 
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát và sau khi Nga tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ cùng các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước láng giềng Ukraine và kích động cuộc xung đột vũ trang đẫm máu ở miền đông Ukraine .

Mặc dù Moscow đã kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên, và dù không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra để chứng minh cho những cáo buộc nói trên, Mỹ vẫn chỉ đạo và dẫn dắt các đồng minh tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Những biện pháp trừng phạt này hiện đang gây khó khăn rất nhiều cho Nga. Phương Tây liên tục gây sức ép dồn dập, tới tấp với Nga dựa trên lý do về cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
 
Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vốn đã không được êm đẹp.
 
Giữa Nga và Mỹ từ lâu đã đối đầu nhau gay gắt về vấn đề lá chắn tên lửa. Moscow phản đối mạnh mẽ việc Mỹ muốn dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu vì coi hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Đáp lại, Washington luôn khẳng định, hệ thống lá chắn tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran và Triều Tiên, không nhằm vào Nga.
 
Moscow muốn Mỹ đảm bảo bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ định dựng lên ở Châu Âu không nhằm vào khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối yêu cầu này.
 
Hai nước đã tìm cách nhổ bỏ “cái dằm khó chịu” trên thông qua đối thoại. Tuy nhiên, cho đến nay, những cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ về kế hoạch lá chắn tên lửa ở Châu Âu vẫn rơi vào bế tắc. Nga đã nhiều lần đe dọa sẽ triển khai một loạt tên lửa ở khu vực biên giới để đối phó với lá chắn tên lửa Mỹ. Mới đây, các quan chức Nga còn tuyên bố chế tạo tên lửa 100 tấn xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ. Nước này cũng đe doạ sẽ tấn công phủ đầu vào các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa nếu Mỹ cứ cố tình triển khai kế hoạch bất chấp sự phản đối của Moscow.
 
Những lời đe dọa trên không làm Washington nao núng. Mỹ tuyên bố sẽ kiên quyết triển khai đến cùng kế hoạch lá chắn tên lửa của họ. Trong bối cảnh cả Nga và Mỹ đều không chịu nhường bước, các nhà phân tích tin rằng, kế hoạch lá chắn tên lửa này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Cho đến nay, vấn đề lá chắn tên lửa vẫn tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới Nga-Mỹ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc