Mỹ "ủ mưu" phản pháo, phá hủy nước Nga

11:14, 05/06/2015
|

(VnMedia) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ - Barack Obama đang cân nhắc các biện pháp “phản đòn” đối với việc Nga vi phạm hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, trong đó có việc triển khai các tên lửa mặt đất ở châu Âu, có khả năng phá hủy mọi vũ khí của Nga.
 
Kế hoạch này nằm trong những biện pháp đáp trả mà Washington đang cân nhắc khi xem xét lại toàn bộ chính sách của mình đối với Nga trước sự can thiệp quân sự của Moscow ở Ukraine, việc sáp nhập Crimea.
 
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ rõ, nhưng một nguồn tin cho biết, kế hoạch này sẽ giúp nâng cao khả năng phá hủy các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga của vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ảnh minh họa

Trong trường hợp cần thiết, hệ thống tên lửa của Mỹ có thể chủ động tấn công các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga.
 
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nga - Mỹ đang trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, khi Mỹ cáo buộc Nga đã phóng thử một quả tên lửa hành trình từ mặt đất với tầm phóng quá xa, vượt quy định giới hạn được quy định trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INFT).
 
Hiệp ước trên được ký kết năm 1987, trong đó cấm cả Mỹ và Nga phát triển hoặc triển khai vũ khí hạt nhân có phạm vi hoạt động từ 500-5.500 km. Đây là hiệp ước đầu tiên quy định hai nước cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân.
 
Hiện vẫn chưa biết liệu Nga có triển khai loại tên lửa “đáng nghi ngại” trên không và liệu Washington có thực sự “hòa hoãn” nếu Nga ngừng triển khai chúng không. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chính quyền Obama cho biết, họ vẫn ưu tiên việc tiếp tục đàm phán hiệp định trên với Nga hơn là dùng vũ lực.
 
Mặc dù vậy, trước dư luật, chính quyền Obama vẫn sử dụng các cụm từ  mập mờ như “phản kháng” hay “khả năng tấn công đáp trả” để mô tả hai trong số các biện pháp trả đũa của mình trước các động thái được cho là gây hấn của Nga, với hy vọng sẽ có thêm cơ hội đàm phán với Moscow.

Theo AP, chính quyền Washington hiện đang cân nhắc 3 lựa chọn đáp trả về mặt quân sự nếu Nga vi phạm hiệp ước tên lửa, đó là phòng thủ để ngăn chặn tên lửa vi phạm hiệp ước, lựa chọn "lực lượng đánh trả" để tấn công phủ đầu một tên lửa và "năng lực tấn công đáp trả" với ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
 
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc – Thiếu Tá Joe Sowers cho biết: “Tất cả các lựa chọn đang được cân nhắc đều được đưa ra nhằm đảm bảo rằng Nga sẽ không nhận được lợi ích quân sự nào to lớn nếu vi phạm hiệp ước”.
 
Trước đó, trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ash Carter cũng từng bày tỏ quan ngại của mình đối với việc Nga vi phạm hiệp ước INFT. 
 
Nga gần đây thường xuyên bị phương Tây, đặc biệt là Mỹ cáo buộc đứng sau toàn bộ những diễn biến căng thẳng ở Ukraine thời gian qua, nhất là tình hình xung đột ở miền Đông nơi đang thuộc quyền kiểm soát của phe ly khai thân Nga. Tuy nhiên, Nga đã một mực bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng cáo buộc của phương Tây chỉ là  cái cớ để các nước này đẩy nhanh kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu nhằm kiềm chế sức mạnh của Nga.
 
NATO tập trận rầm rộ tại Baltic

Trong một diễn biến khác, NATO vừa khai hỏa một cuộc tập trận hải quân rầm rộ mang tên BALTOPS trên Biển Baltic với sự góp mặt của lực lượng đến từ 17 quốc gia. Cuộc tập trận sẽ kéo dài tới ngày 20/6.
 
Cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu này sẽ có sự tham gia của nhiều loại tàu chiến tối tân như tàu chống ngầm, tàu đổ bộ, tàu đánh chặn máy bay và tàu tên lửa phòng không.
 
Theo đó, sẽ có tổng cộng 49 tàu chiến, 61 chiến đấu cơ, 1 tàu ngầm, tàu đổ bộ cùng 700 binh lính tham gia cuộc tập trận.
 
Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của tổng cộng 5600 binh lính đến từ 14 quốc gia đồng minh NATO và 3 đối tác của NATO là Phần Lan, Georgia và Thụy Điển. 
 
Phó Đô đốc James Foggo III – chỉ hy lực lượng hỗ trợ và xung kích hải quân của NATO cho biết: “Cuộc tập trận là cơ hội quan trọng cho lực lượng, đồng minh phối hợp  việc chung và đẩy mạnh hiệu quả bảo vệ và duy trì an ninh khu vực giữa lực lượng binh lính các nước tham gia”.
 
Ông cho biết thêm,cuộc tập trận BALTOPS được tổ chức thường niên kể từ năm 1971, bởi vậy nó không nhằm đối phó với bất cứ mối đe dọa cụ thể nào.
 
Tuy nhiên, gần đây, NATO cũng đang tích cực đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình ở phía đông nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
BALTOPS là một trong những cuộc tập trận đa quốc gia lớn được NATO tiến hành trong tháng này.
 
Theo đó, vào Chủ Nhật này, cuộc tập trận mang tên Steadfast Cobalt sẽ được khai hoạc tại Walcz, Ba Lan nhằm thử nghiệm các hệ thống thông tin liên lạc,với sự tham gia của gần 1000 binh lính. Cuộc tập trận sẽ kéo dài hơn 2 tuần. Bên cạnh đó, cuộc tập trận mang tên Noble Jump cũng sẽ được tiến hành tại Ba Lan từ ngày 9 đến 19/6 tới nhằm triển khai thử nghiệm lực lượng phản ứng nhanh mới của NATO.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc