Nga “bẻ gãy” liên minh 7 cường quốc mạnh nhất

17:44, 04/06/2015
|

(VnMedia) - Hội nghị thượng đỉnh giữa 7 cường quốc mạnh nhất thế giới sẽ khai mạc vào cuối tuần này. Nếu như năm trước, đây là diễn đàn để 7 nước thể hiện tiếng nói đoàn kết nhằm chống lại Nga thì năm nay, dường như liên minh này đã bị Nga “bẻ gãy”.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Đức sắp tới, nhóm nước G7 được cho là sẽ tung ra những lời chỉ trích, lên án mới nhằm vào Nga nhưng chắc chắn sẽ không có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra.
 
Chính quyền Kiev đang khẩn thiết kêu gọi lãnh đạo các nước G7 có phản ứng mạnh đối với Nga khi lãnh đạo các nước này tụ họp ở Đức vào ngày Chủ nhật (7/6) và thứ Hai (7/7) tới ở dãy núi Bavaria. Lời kêu gọi này được đưa ra một năm sau khi 7 nước công nghiệp lớn nhất thế giới cùng chung tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin vì cái mà họ gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Phương Tây luôn khăng khăng cáo buộc Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này, khiến hơn 6.400 người thiệt mạng. Vì thế, phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga, đồng thời ra sức cô lập, dồn ép Nga trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao.
 
Kết quả của chính sách trừng phạt, dồn ép và gây áp lực mà phương Tây đang dùng với Nga đến nay được cho chẳng đem lại hậu quả gì bởi Moscow vẫn quyết không thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine. Không những thế, phương Tây còn đang phải hứng chịu hậu quả “gậy ông đập lưng ông” từ chính sách trừng phạt của mình.
 
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể lừa dối chính mình rằng chính sách và các hành động của chúng ta ngay bây giờ đang đem lại những kết quả mà chúng ta mong muốn”, bà Heather Conley – Giám đốc Chương trình Châu Âu ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington, cho hay. Theo bà Conley, giới lãnh đạo Châu Âu sẽ đánh giá bước tiếp theo của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi họ đối mặt với quyết định về việc có kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga hay không khi những biện pháp này hết hạn vào tháng 7 tới.
 
"Nga vẫn không thay đổi lập trường. Nếu có thì theo tôi nghĩ, Tổng thống Putin đang đánh cược ở nhiều mặt trận và dường như không có sự liên kết với nhau. Mọi người không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và chúng ta sẽ tiếp tục như thế nào”, bà Conley nói.
 
Trong khi đó, theo ông Richard Fontaine – Chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ mới, sự đoàn kết giữa các nước G-7 đang ít đi so với năm ngoái khi họ bước vào hội nghị thượng đỉnh với nỗ lực tìm cách cô lập Nga.
 
"Điều mà người Nga đang đặt cược vào chính là qua thời gian, với lợi ích khác nhau, Mỹ và Châu Âu sẽ nhìn vào các hướng khác nhau. Khi thời gian trôi đi, trừ khi có một cuộc khủng hoảng khác thực sự nghiêm trọng xảy ra, sẽ khó khăn hơn rất nhiều để giữ cho nhóm G-7 tiếp tục đoàn kết và tập trung vào cùng một mục đích là đối phó, chống lại Nga”.
 
Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Schloss Elmau - một khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, sẽ đưa các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada, Nhật Bản và Mỹ ngồi lại với nhau. Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng sẽ có cuộc họp với những người đồng nghiệp khác trong khu vực vào mùa hè này để bỏ phiếu cho việc có tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt và thắt chặt thêm chính sách này đối với Nga.
 
Tuy nhiên, nếu không có một sự leo thang căng thẳng mới trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) dường như đều không có mong muốn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Ông Alistair Baskey – một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết, giới lãnh đạo các nước G-7 sẽ tập trung vào việc làm thế nào để ủng hộ tốt nhất cho thỏa thuận ngừng bắn đang được áp dụng ở miền đông Ukraine, trong đó có việc “bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục được áp đặt lên Nga cho đến khi Moscow thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk đồng thời các nước sẽ thảo luận những lựa chọn nhằm bắt Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine phải trả thêm giá nếu có thêm những hành động gây căng thẳng”.
 
Chính quyền Kiev cáo buộc lực lượng ly khai vừa phát động một chiến dịch tấn công mới quy mô lớn với hàng chục xe tăng và khoảng 1.000 binh lính. Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Moscow hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông bằng cách cung cấp nhân lực và vũ khí mạnh.
 
Moscow bác bỏ những cáo buộc trên là vô căn cứ, không có cơ sở. Trong khi đó, lực lượng ly khai tố ngược lại rằng, chính Kiev mới là bên khiêu khích trước và họ chỉ đáp trả. Những diễn biến này có nguy cơ phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine và nó diễn ra đúng thời điểm G-7 chuẩn bị nhóm họp.
 
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cũng đang kêu gọi giới lãnh đạo G-7 lên án Nga. “Cộng đồng quốc tế phải đưa ra phản ứng đúng đắn và thích hợp trước sự gây hấn của Nga”, ông Yatsenyuk đã nói như vậy.
 
Việc tình trạng bạo lực ở Ukraine bỗng nhiên leo thang một cách nghiêm trọng ngay trước thềm hội nghị G-7 khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi, liệu có phải Kiev lại tìm cách để các cường quốc gây sức ép mạnh hơn lên Nga.
 
Thủ tướng Canada và Nhật Bản có ý định thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine bằng cách đích thân đến thăm nước này trên đường sang Đức dự hội nghị thượng đỉnh G-7.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc