(VnMedia) - Lầu Năm Góc Mỹ “đang ở trạng thái sẵn sàng” để đưa vũ khí hạng nặng đủ cho tới 5.000 binh lính Mỹ được triển khai ở các quốc gia Đông Âu và Baltic để ngăn chặn cái mà họ gọi là “sự xâm lược, gây hấn” của Nga, tờ New York Times hôm qua (13/6) đưa tin.
Ảnh minh họa |
Tờ New York Times dẫn lời các quan chức quân sự của Mỹ và quân đồng minh tiết lộ, Lầu Năm Góc được cho là đã sẵn sàng triển khai xe tăng chiến đấu, phương tiện chiến đấu bộ binh và nhiều loại vũ khí hạng nặng đủ cho 5.000 binh lính Mỹ ở Đông Âu và các nước Baltic. Theo Mỹ, động thái này là nhằm để trấn an nỗi quan ngại của các nước NATO. Mỹ dự định đưa vũ khí, thiết bị quân sự hạng nặng tới từng nước trong 3 quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia cũng như Ba Lan, Rumani, Bulgari và có thể là cả Hungary
Đề xuất trên được thông qua sẽ chứng kiến lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh Mỹ đưa vũ khí quân sự hạng nặng, trong đó có xe tăng chủ lực, vào những nước thành viên mới của NATO – những nước từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow như một phần của Liên Xô. Tuy nhiên, kế hoạch này không đề cập đến một sự hiện diện cố định của quân Mỹ ở những nước nói trên.
Sau khi NATO mở rộng đến các nước Baltic năm 2004, liên minh luôn tránh việc triển khai cố định binh lính và thiết bị quân sự ở những khu vực này để không làm ảnh hưởng đến các lợi ích của Nga, khiến Nga nổi giận.
Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, NATO và Mỹ đã quyết định tăng cường lực lượng ở khu vực. Họ nói rằng, hành động đó là một thông điệp rõ ràng được gửi đến chính phủ Nga, theo đó NATO và Mỹ muốn nói họ sẵn sàng bảo vệ các nước thành viên của liên minh.
“Đây là một bước chuyển rất có ý nghĩa trong chính sách. Nó cung cấp một mức đảm bảo, trấn an hợp lý cho những đồng minh đang có lo ngại mặc dù không có gì là tốt khi triển khai cố định lực lượng trong khu vực”, ông James G. Stavridis – một đô đốc nghỉ hưu và cựu chỉ huy tối cao của liên minh NATO và hiện đang là chủ nhiệm Khoa Luật và Ngoại giao Fletcher của trường Đại học Tufts, cho tờ New York Times biết.
Việc dồn vũ khí hạng nặng đủ mức để trang bị cho một lữ đoàn từ khoảng 3.000 đến 5.000 binh lính đến khu vực gần Nga sẽ bằng với mức mà Lầu Năm Góc duy trì lực lượng ở Kuwait sau cuộc xâm lược Iraq năm 1990.
Tuy nhiên, đề nghị của Lầu Năm Góc vẫn còn cần phải đi một con đường phía trước trước khi chính thức trở thành thực tế bởi nó còn cần phải được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Nhà Trắng phê chuẩn.
Dự định của Lầu Năm Góc cũng gây ra lo ngại trong số các nước liên minh NATO về sự khôn ngoan của kế hoạch cũng như phản ứng của Nga trước bước đi như này.
Giới chức cấp cao đến từ các nước thành viên mới của NATO gần đây đã gửi một bức thư đề nghị liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa binh lính vào đóng tại lãnh thổ của họ.
“Chúng tôi cần thiết bị, vũ khí bởi nếu có điều gì đó xảy ra, chúng tôi sẽ cần thêm vũ khí, thiết bị và đạn dược. Nếu có điều gì xảy ra, chúng tôi không thể đợi vài ngày hay vài tuần để có thêm vũ khí. Chúng tôi cần phản ứng ngay lập tức”, ông Raimonds Vejonis – Bộ trưởng Quốc phòng Latvia cũng là người sẽ trở thành Tổng thống Latvia vào tháng 7 tới, đã nói như vậy.
Trong khi đó, ông Mark Galeotti – một giáo sư của trường Đại học New York chuyên viết về các vấn đề quân sự và an ninh ở Nga, cho rằng, “xe tăng được triển khai dù không có người trên đó cũng vẫn tạo ra được một dấu mốc quan trọng”.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí và nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.
Trong khi đó, Nga tin rằng, Mỹ cùng NATO đang dựa vào cái cớ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là cái được gọi là “mối đe dọa” từ Nga để tăng cường sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có trong các khu vực xung quanh Nga.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc