(VnMedia) - Thay vì tấn công nhóm khủng bố tại Syria, liên quân do Mỹ dẫn đầu liên tục hỗ trợ các nhóm này chống lại tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Kế hoạch “gậy ông đập lưng ông”
Tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria (SOHR) cho biết, tối qua (7/6), nhóm khủng bố IS ở phía bắc tỉnh Aleppo đã đọ súng ác liệt với nhóm chống đối bản địa, bao gồm một số nhân vật trung thành với Al Qaeda.
Nhóm Al-Nusra bất ngờ nhận được sự hỗ trợ của liên quân khi đối đầu với IS |
Các máy bay của liên quân đã liên tục oanh tạc để hỗ trợ nhóm chống đối đẩy lùi các đợt tấn công của IS. “Liên quân đã thực hiện 4 đợt không kích trong tối qua nhắm vào IS ở thị trấn Suran. Đây là lần đầu tiên liên quân trực tiếp hỗ trợ một nhóm chống đối IS không phải là người Kurd”, đại diện SOHR cho biết.
Cũng theo SOHR, ít nhất 8 phần tử IS bị tiêu diệt tại chỗ và hơn 20 tay súng khác bị thương. Các đợt tấn công của liên quân cũng phá hủy một số pháo cao xạ và xóa sổ một căn cứ của IS.
Thomas Pierret - chuyên gia nghiên cứu về tình hình tại Syria nhận định, cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của liên quân cho thấy, phương Tây đang tìm mọi cách ngăn chặn IS mở rộng lãnh thổ kiểm soát của chúng tại tỉnh Aleppo.
Trong khi đó, đài truyền hình Syria thì đăng tải thông tin cho biết, quân đội Chính phủ cũng tham gia không kích các mục tiêu khủng bố tại Suran.
Nhóm IS chiếm giữ thị trấn Suran trong hơn 1 tuần qua nhưng liên tục xung đột với nhóm Al-Nusra và Ahrar al-Sham vốn là nhánh của khủng bố Al Qaeda ở khu vực này. Trước đó, chính Washington từng liệt 2 nhóm Hồi giáo Al-Nusra và Ahrar al-Sham vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Gần đây, nhóm IS thường xuyên cáo buộc 2 nhóm Al-Nusra and Ahrar al-Sham trở mặt hợp tác với liên quân, đồng thời cáo buộc họ là “điệp viên của Mỹ. Trong khi đó, nhóm Al-Nusra một mặt tuyên bố trung thành với lãnh tụ tinh thần Ayman al-Zawahiri của Al Qaeda nhưng không giấu giếm tham vọng của mình trên đất Syria.
Lợi ích xung đột khiến Al-Nusra liên tục va chạm với nhóm IS. Nói như chuyên gia Thomas Pierret, Washington đang theo đuổi chính sách thực dụng sẵn sàng tạm gác vấn đề của Al-Nusra sang một bên để hỗ trợ nhóm này tiêu diệt khủng bố IS vì đó là vấn đề cấp bách nhất của Mỹ tại Syria và Iraq hiện nay.
Cắt nguồn tài chính của IS tại Iraq
Quân đội Iraq với sự hỗ trợ của các tay súng Hồi giáo dòng Shiite đã tái chiếm lại một số khu vực trọng yếu ở thành phố lọc dầu chiến lược Beiji. Tướng Nassir al-Fartousi- chỉ huy trưởng lực lượng phản ứng nhanh, Bộ Nội Vụ Iraq đã xác nhận thông tin trên. Ông còn cho biết, cờ Iraq đã được kéo lên trên các tòa nhà Quốc hội tại Beiji. Hiện tại các binh sỹ đang tiến vào các khu vực khác và không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào từ phía tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Khói ngập trời tại Beiji khi quân đội Iraq tấn công nhóm IS |
Phát ngôn viên của Sở chỉ huy liên quân - Saad Maan Ibrahim cũng khẳng định lực lượng an ninh đã kiểm soát hoàn toàn thành phố, đồng thời đánh giá đây là chiếc thắng quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
“Kẻ thù đã thất bại và sẽ tiếp tục còn phải hứng chịu những tổn thất nặng nề hơn nữa. Tôi hy vọng thành phố sẽ sạch bóng IS trong vài ngày tới”, ông Saad Maan Ibrahim nói. Tờ AP cho biết, lực lượng an ninh đã tiêu diệt hàng chục tay súng IS trên đường tái chiếm thành phố này.
Hiện tại, giới chức Iraq vẫn chưa cung cấp thông tin chính xác về tình hình của các nhà máy lọc dầu ở nơi đây. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả đều đánh giá việc tái chiếm thành phố Beiji sẽ giúp quân đội Iraq lập phòng tuyến tốt hơn để bảo vệ các nhà máy lọc dầu lân cận.
Nhà máy lọc dầu tại Beiji là nhà máy lọc dầu lớn nhất tại iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 250 km về phía bắc và rơi vào tay IS cách đây hơn 1 năm khi nhóm này mở rộng ảnh hưởng của chúng. Tuy nhiên, các cơ sở lọc dầu vẫn là mục tiêu tranh chấp giữa quân đội Chính phủ và nhóm này suốt thời gian qua.
Bản thân thành phố Beiji có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó nằm trên con đường huyết mạch dẫn tới thành phố Mosul lớn thứ hai tại Iraq và hiện đang bị nhóm khủng bố IS chiếm giữ.
Việc đánh bật IS khỏi Beiji được phía Mỹ nhìn nhận là tín hiệu rất tích cực trong việc chống lại IS. Kể từ khi tuyên bố thành lập tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng, nhóm khủng bố này tìm cách chiếm các cơ sở lọc dầu. Ước tính mỗi ngày chúng thu về số tiền hàng triệu USD để mua sắm vũ khí, xe quấn sự, tuyển quân…. Chính vì vậy, liên quân và quân đội Iraq luôn tìm cách đoạt lại các nhà máy lọc dầu bị IS chiếm giữ, để cắt đứt nguồn tài chính của nhóm này.
Dưới sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, quân đội Chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd đã tái chiếm thành công một số khu vực trọng yếu như phía bắc thành phố Tikrit hồi tháng tư và mới đây nhất là đoạt lại thành phố Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar.
Ý kiến bạn đọc