(VnMedia) - Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (4/6) vừa có một phát biểu gây sốc với các đồng minh, khi thể hiện một lập trường “quay ngoắt 180 độ” với Nga.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier |
Ông Steinmeier đã nói rằng, cộng đồng quốc tế cần phải xây dựng các cuộc đối thoại với Nga để chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Nhà ngoại giao hàng đầu của Đức không ngần ngại thừa nhận với tờ báo Neue Ostanbrücker Zeitung rằng, “chúng ta cần Nga để giải quyết các cuộc xung đột ở Châu Âu, Syria, Iraq và Libya cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân Iran”.
Ngoại trưởng Steinmeier còn thừa nhận, việc sử dụng các áp lực về kinh tế và chính trị đối với Nga không có ích gì đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại để tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng đầy nguy hiểm ở Ukraine
“Chúng tôi biết rằng các thỏa thuận Minsk chưa được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc nhưng dù sao chúng vẫn giúp kiểm soát sự thù địch. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn vẫn mong manh”, Ngoại trưởng Đức cho biết trong bài phỏng vấn có tên “Steinmeier muốn Nga trở lại G-8.”
Khi được hỏi ông nghĩ giới lãnh đạo Kiev kiểm soát được mức nào đối với quân đội Ukraine, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier đã trả lời rằng, Tổng thống Petro Poroshenko đang nỗ lực hết sức để giữ quân đội Ukraine trong khả năng kiểm soát của mình.
Ông Steinmeier cũng nói thêm rằng, việc áp dụng thêm nữa các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ chỉ làm cho tình hình vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Bình luận về bài trả lời phỏng vấn của ông Steinmeier, tờ Der Spiegel đã dẫn lời Bộ trưởng Phát triển và Hợp tác Kinh tế của Đức Gerd Mueller - người từng nói rằng ông hy vọng Nga sẽ quay trở lại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của G-8.
Ngoài việc nói cần Nga để giải quyết hàng loạt cuộc xung đột toàn cầu, Ngoại trưởng Đức Steinmeier trong một cuộc họp báo ngày hôm qua còn nói thêm rằng, cấu trúc G-7 hiện nay không thể tồn tại lâu được và Nga cần phải quay trở lại nhóm.
“Tôi tin rằng, việc duy trì lâu dài cơ chế G-7 như hiện nay không có lợi gì cho chúng ta. Sự thay đổi từ G-8 sang G-7 là phù hợp vì Nga vi phạm luật quốc tế. Tôi hy vọng Nga sẽ tìm cách để quay trở lại nhóm G-7”, ông Steinmeier đã nói như vậy tại một cuộc họp báo.
Năm 2014, cấu trúc G-8 đã chuyển sang thành G-7 sau khi 7 cường quốc hàng đầu thế giới quyết định loại Nga ra khỏi nhóm các nước công nghiệp phát triển vì việc Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea cũng như cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Những phát biểu của Ngoại trưởng Đức phản ánh một thực tế là ngày càng có nhiều chính khách, doanh nhân và giới phân tích Đức tin rằng, việc trừng phạt Nga không những chẳng đem lại kết quả gì mà còn gây hại cho chính họ. Tiếng nói phản đối chính sách trừng phạt Nga đang ngày càng mạnh lên ở Đức.
Mới đây, hôm 2/6, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng đã lên tiếng chỉ trích thẳng thừng rằng việc giới lãnh đạo G-7 không mời Tổng thống Putin tham gia vào hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Bavaria là một sai lầm. Theo ông Schoroeder, cả giới lãnh đạo Nga và phương Tây đều mắc một loạt sai lầm khi xử lý tình hình khủng hoảng ở Ukraine.
Ông Schroeder nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ hợp tác với Moscow, nói rằng, “Nga có một lựa chọn khác thay thế cho Châu Âu nhưng không có chiều ngược lại”.
Cựu Thủ tướng 71 tuổi cũng không ngại ngần xác nhận mối quan hệ thân thiện giữa ông với Tổng thống Putin, nói rằng ông thường xuyên liên lạc với Nhà lãnh đạo Nga.
EU, Nhật Bản sẽ thúc đẩy đối thoại với Nga tại hội nghị G-7
Mặc dù không phải là một nước tham gia vào hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay nhưng Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của sự kiện này.
Điều đáng nói là G-7 năm nay được cho là sẽ chứng kiến sự chia rẽ giữa các nước trong quan điểm, lập trường đối với Nga. Không chỉ Đức, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản được cho là sẽ cũng tìm cách tránh làm sâu sắc thêm mâu thuẫn với Nga trong khi Mỹ và Canada tiếp tục muốn làm căng, một tờ báo của Nhật Bản đã cho biết như vậy.
Sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea và sự bùng nổ cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, Mỹ, Nhật Bản và EU đã cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga theo sáng kiến của chính quyền Tổng thống Obama, tờ Yomiuri Shimbun cho hay.
Trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Washington sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên nhóm G-7 để “tăng cường áp lực đáng kể lên Nga”.
Tuy nhiên, một năm sau khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng, nhóm nước G-7 đã không còn thống nhất được lập trường với nhau về Nga. Ví dụ như, nhiều nước Châu Âu bị tổn thương vì những đòn trừng phạt nhằm vào Nga không còn muốn tiếp tục cuộc đối đầu này. Nhật Bản cũng chia sẻ cảm giác đó.
Vì thế, những nước tham gia hội nghị thượng đỉnh G-7 có thể bị chia thành 2 nhóm. Mỹ và Canada sẽ kêu gọi các nước tiếp tục tăng cường áp lực với Nga, coi đó là phương tiện duy nhất để buộc Nga phải khuất phục. Trong khi đó, Châu Âu và Nhật Bản sẽ tìm kiếm một cơ chế đối thoại với Moscow, tờ Yomiuri Shimbun cho hay.
Hội nghị thượng đỉnh G-8 sắp tới sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 sắp tới ở Lâu đài Elmau, Bavaria của Đức. Hội nghị này sẽ giải quyết một loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Ukraine, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc