Trung Quốc “nịnh” Mỹ chia nhau Biển Đông?

07:24, 18/05/2015
|

(VnMedia) - Trước sức ép mạnh mẽ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc dường như đang tìm cách “nịnh” Mỹ để hai bên chia nhau Biển Đông cũng như khu vực Thái Bình Dương.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua (17/5) đã nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ-Trung “ổn định” bất chấp những căng thẳng ở Biển Đông và rằng Thái Bình Dương “đủ rộng lớn” cho cả hai cường quốc.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Kerry ở thủ đô Bắc Kinh khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang vì việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.
 
Mỹ đang cân nhắc khả năng đưa tàu chiến và máy bay do thám vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông. Một sự triển khai như vậy có thể dẫn tới một cuộc đối đầu giữa hai nước Mỹ-Trung ở khu vực ngoài khơi xa của vùng biển có những tuyến đường biển thiết yếu.
 
Bắc Kinh đang ngang nhiên đòi chủ quyền với hầu hết Biển Đông và các hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một đường băng trên một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, hôm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Ngoại trưởng Kerry rằng, “theo quan điểm của tôi”, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc “nói chung vẫn ổn định”, tờ Tân Hoa Xã đưa tin.
 
"Thái Bình Dương to lớn đủ rộng để cho cả hai nước Mỹ và Trung Quốc”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói thêm như vậy.
 
Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi hai bên xử lý những tranh chấp “theo một cách thích hợp để hướng chung trong quan hệ song phương giữa hai nước không bị ảnh hưởng. Mối quan hệ Mỹ-Trung kểu mới đã gặt hải những thành quả đầu tiên”, ông Tập Cận Bình phát biểu.
 
Theo Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Kerry “đồng tình” với nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình về mối quan hệ song phương Mỹ-Trung trước khi hai bên tiến hành hội đàm kín.
 
Trước đó, giới lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ thái độ thách thức trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry khi Ngoại trưởng Wang Yi tuyên bố rằng Bắc Kinh “không lay chuyển” trong việc bảo vệ chủ quyền.
 
Về phần mình, ông Kerry nói tại cuộc họp báo hôm 16/5 rằng, Washington “lo ngại về tốc độ và phạm vi của những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng mà Trung Quốc đagn tiến hành ở Biển Đông”. Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ kêu gọi Bắc Kinh “hãy hành động để cùng với tất cả mọi người để làm giảm căng thẳng”.
 
Trước thềm chuyến thăm, giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng, Ngoại trưởng Kerry sẽ thể hiện lập trường cứng rắn để “phía Trung Quốc thấy rõ mà không có chút hoài nghi nào về cam kết của Mỹ đối với việc duy trì sự tự do hàng hải ở Biển Đông”.
 
Và rõ ràng, vấn đề Biển Đông là chủ đề nóng, gây căng thẳng trong cuộc gặp giữa ông Kerry với giới chức lãnh đạo ở Bắc Kinh.
 
Trung Quốc và Mỹ tỏ ra không hề nhân nhượng dù chỉ một bước trong vấn đề Biển Đông. Bất chấp sức ép của Mỹ, Bắc Kinh khăng khăng từ chối những cách thức mà phía Washington đề xuất nhằm làm dịu căng thẳng trong khu vực.
 
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là không thể che giấu và nó đã phủ bóng đen lên chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry đến Châu Á.
 
Mỹ cùng với các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn Trung Quốc ngừng các dự án ở Biển Đông. "Chúng tôi quan ngại về tốc độ và phạm vi của các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông”. Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc để quản lý các hoạt động hàng hải ở những khu vực tranh chấp. Mục đích là nhằm để “giảm căng thẳng và gia tăng triển vọng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao”, ông Kerry nhấn mạnh.
 
"Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nhất trí với nhau về việc khu vực này cần nền ngoại giao thông minh để có thể đạt được một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN thay vì là những tiền đồn và đường băng quân sự”, ông Kerry đã phát biểu thẳng thừng như vậy tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Wang Yi.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông đang gây ra nỗi quan ngại rất lớn không chỉ với các nước có liên quan trong khu vực mà với cả cộng đồng thế giới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc