Nga tăng cường sức mạnh cho lực lượng tên lửa

09:24, 17/05/2015
|

(VnMedia) - Một sư đoàn tên lửa chỉ đường của Lực lượng Bộ binh Nga đồn trú tại vùng cực Tây Kaliningrad sẽ được tái trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M tới năm 2018. Thông tin trên vừa được Thiếu Tướng Mikhail Matveyevsky – Chỉ huy Lực lượng Tên lửa và Đại bác của Nga đưa ra hôm qua (16/5).

 

Khi được Đài phát thanh News Service của Nga hỏi liệu sư đoàn ở Kaliningrad có được tái trang bị tổ hợp tên lửa này không, ông Matveyevsky đã trả lời là “Không còn gì nghi ngờ về điều đó”.


Ảnh minh họa

 

“Các sư đoàn tên lửa chỉ đường của Lực lượng Bộ binh sẽ được tái vũ trang với tổ hợp này”, ông khẳng định.

 

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tân tiến của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn, được bắt đầu trang bị trong quân đội Nga từ năm 2006.


Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander-M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander-E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander-K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.


Iskander-M được trang bị 2 tên lửa hành trình một giai đoạn 9M723K1, có tầm bắn tới 400 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.


Tên lửa Iskander-M có chiều dài 7,3 m, đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tốc độ bay cao của tên lửa cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km.


Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.


Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.


Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.


Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh). Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.


Nga cải tiến tên lửa Pantsir

Trong một diễn biến khác, mới đây, truyền thông Nga đưa tin, Cục Thiết kế công cụ KBP của Nga đang nghiên cứu phát triển một phiên bản bánh xích đặc biệt của hệ thống pháo/tên lửa phòng không tự hành Pantsir (SA-22 Greyhound) để triển khai tại Bắc Cực.


Tên lửa Pantsir thường đặt trên khung gầm bánh hơi, tuy nhiên khả năng cơ động của nó trên tuyết dày "rất hạn chế", hãng tin Itar-tass dẫn lời ông Vladimir Popov, giám đốc Công ty cổ phần Scheglovsky Val trực thuộc KBP cho hay.

 

Bởi vậy, ông cho rằng cần phải tăng cường độ tin cậy của Pantsir khi vận hành trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.


Ông cho biết thêm rằng, ý tưởng lắp đặt tên lửa Pantsir trên khung gầm bánh xích đặc biệt do nhà máy chế tạo máy Ishimbayskiy sản xuất đang được nghiên cứu và có kế hoạch tiến hành một số thử nghiệm trong thời gian tới để kiểm tra tính khả thi của hệ thống ở các vùng địa cực.


Cũng theo ông Popov, trước đây, KBP đã tích hợp mô-đun chiến đấu của hệ thống Pantsir và radar trên khung gầm bánh xích GMZ-352M1E do nhà máy chế tạo máy kéo Minsky sản xuất cho các Tiểu Vương quốc Arap Thống nhất (UAE).


Hiện tại, hệ thống Pantsir đang được triển khai để "bảo vệ đường biên giới phía bắc của Nga", ông nói và cho biết thêm rằng "3 hệ thống SA-22 bánh hơi đã được triển khai tới căn cứ không quân Temp (trên Đảo Kotelny) kể từ năm 2014".


Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, hệ thống phòng không Pantsir được cải tiến cho các lực lượng vũ trang Nga có thể vận hành trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, với dải nhiệt độ hoạt động từ -50 độ đến +50 độ.


Hãng tin RIA Novosti cho biết, động thái tăng cường sự hiện diện của Nga tại khu vực Bắc Cực nằm trong chiến lược quân sự của nước này đến hết năm 2020.


Tuy nhiên, trước đó, hồi cuối năm 2014, Tổng thống Nga - Vladimir Putin khẳng định rằng, Nga không có kế hoạch quân sự hóa Bắc Cực, nhưng sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh tại khu vực này. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc