Mỹ đã hết kiên nhẫn với Trung Quốc ở Biển Đông?

18:45, 15/05/2015
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ để Trung Quốc “thấy rõ mà tuyệt đối không có bất kỳ nghi ngờ” gì về cam kết của Washington đối với việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông khi ông này có chuyến thăm đến thủ đô Bắc Kinh vào cuối tuần này, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cho biết.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo lời vị quan chức giấu tên trên của Mỹ, ông Kerry đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ có cuộc gặp đầy căng thẳng với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình. Được biết, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ không ngần ngại đưa ra cảnh báo về việc những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực và đối với mối quan hệ Trung-Mỹ.
 
Hồi đầu tuần này, một quan chức Mỹ đã tiết lộ, Lầu Năm Góc đang cân nhắc khả năng đưa tàu hải quân và máy bay quân sự vào Biển Đông để bảo vệ và khẳng định sự tự do hàng hải ở những khu vực mà Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo.
 
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đãy bày tỏ “sự quan ngại cực kỳ sâu sắc” và yêu cầu Washington làm rõ vấn đề.
 
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ David Shear đã phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng Mỹ có quyền tự do qua lại ở những khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền ở Biển Đông. "Chúng tôi đang tích cực theo dõi và đánh giá những hệ luỵ quân sự gây ra từ hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc. Chúng tôi cam kết sẽ có hành động thích hợp và hiệu quả”, ông Shear cho biết nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết đó là những hành động gì.
 
Vị quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, “câu hỏi về việc Hải quân Mỹ làm gì và không làm gì là câu hỏi mà người Trung Quốc có thể tự do đặt ra” cho Ngoại trưởng Kerry khi ông này đến thủ đô Bắc Kinh vào ngày mai (15/5) và có cuộc gặp với giới lãnh đạo quân sự, dân sự của Trung Quốc.
 
Chuyến đi của ông Kerry là nhằm để chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung vào tháng tới ở thủ đô Washington cũng như chuyến thăm dự kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying mới đây đã phản ứng với Mỹ bằng tuyên bố sự tự do hàng hải không có nghĩa là các tàu và máy bay quân sự nước ngoài có thể tự do đi vào lãnh hải và không phận của các nước khác.
 
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ nói và hành động một cách thận trọng, không có bất kỳ hành động khiêu khích hay gây nguy hiểm gì đến việc duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực”, bà Hua đã nói như vậy.
 
Đáp lại, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ ý tưởng cho rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở những bãi đá nửa chìm, nửa nổi sẽ cho phép Trung Quốc đòi chủ quyền ở những khu vực đó.
 
"Bạn không thể xây dựng chủ quyền"
 
“Dù Trung Quốc có đắp, có chất lên trên các bãi cạn, bãi san hô bao nhiêu cát thì điều đó tuyệt đối cũng không thể giúp họ đòi chủ quyền. Các bạn không thể xây dựng chủ quyền”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh trong một tuyên bố rõ ràng là được nhắn gửi đến Trung Quốc.
 
"Ông ấy (Kerry) sẽ làm rõ để Trung Quốc hiểu rằng họ không nên có bất kỳ nghi ngờ nào về cam kết của Mỹ đối với việc duy trì, bảo đảm tự do hàng hải cũng như việc các nước được phép thực hiện các quyền hợp pháp như tự do bay qua vùng trời hay di chuyển ở những vùng biển ngoài khơi” trong khu vực.
 
Theo vị quan chức giấu tên của Mỹ, Ngoại trưởng Kerry “sẽ nhấn mạnh đến... những hậu quả rất tiêu cực từ những nỗ lực bồi đắp quy mô lớn và những hành vi nói chung hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông đối với hình ảnh và mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, đối với sự ổn định của khu vực cũng như tiềm năng của mối quan hệ Mỹ-Trung".
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông đang gây ra nỗi quan ngại rất lớn không chỉ với các nước có liên quan trong khu vực mà với cả cộng đồng thế giới. Hàng loạt nước, đặc biệt là Mỹ, đã liên tiếp lên tiếng bày tỏ thái độ bất bình đối với các hành động của Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc